Thấy gì từ tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm?

10:45 | 13/08/2021 Print
(TBTCVN) - Tiêu thụ là động lực của tăng trưởng xét về đầu ra của sản xuất kinh doanh (GDP). Tiêu thụ cũng là yếu tố của lạm phát (CPI). Khi xét về sử dụng GDP, thấy gì từ tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm 2021.

15

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân

Tổng mức bán lẻ tính theo giá thực tế tăng thấp

Tiêu thụ bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (có quan hệ với nhập khẩu – tức là xuất siêu hay nhập siêu). Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2021 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%).

Tổng mức bán lẻ tính theo giá thực tế tăng thấp hơn cả tốc độ tăng dân số (tăng 0,7% so với tăng trên 1%). Điều đó có nghĩa là tổng mức bán lẻ bình quân đầu người bị giảm khoảng 0,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ còn bị thực giảm (0,74%) và tổng mức bán lẻ bình quân đầu người bị giảm nhiều hơn (2,2%).

Sự sụt giảm xét dưới các góc độ trên do nhiều yếu tố. Có yếu tố do tác động của dịch Covid-19 bùng phát trở lại với phạm vi rộng hơn, tập trung ở những nơi đông dân, có nhiều khu công nghiệp tập trung, thời gian giãn cách nhiều hơn, rộng hơn… đã tác động tiêu cực về hai mặt. Một mặt làm cho số lao động thất nghiệp thiếu việc làm tăng, số người có việc làm giảm, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm, tỷ lệ lao động phi chính thức, làm công việc tự sản tự tiêu tăng… Mặt khác, lưu thông bị “đứt gãy” – nguồn thì bị ứ đọng, nơi dùng thì thiếu; cũng có hiện tượng mua tích trữ ở một số nơi, một số thời điểm – nay đã giảm, nhưng chưa thể bình thường được.

Đó là về tổng số. Trong tổng mức bán lẻ, tuy bán lẻ hàng hoá tăng 3,2%, nhưng các khoản khác thì giảm, có loại giảm sâu (dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 11,8%, du lịch lữ hành giảm 58,8%, dịch vụ khác giảm 4,2%); nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm nhiều hơn. Khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng so với cùng kỳ giảm 97,5%; giảm ở tất cả các loại phương tiện đến, ở tất cả các châu lục, các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; mức giảm khá nhiều đối với những vùng lãnh thổ có số khánh đến Việt Nam đông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mỹ, Úc…).

Xuất khẩu tăng lớn, nhưng thấp hơn nhập khẩu

Xuất khẩu đạt quy mô lớn (hơn 183,3 tỷ USD), so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao (25,5% hay tăng 37,658 tỷ USD). Đây là những tốc độ tăng và mức tăng hiếm thấy trong cùng kỳ, thậm chí mới qua 7 tháng nhưng quy mô đã vượt kim ngạch cả năm từ 2016 trở về trước.

Tăng trưởng cao đạt được ở cả 2 khu vực (khu vực trong nước tăng 14,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,9%); ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu, trong đó có những mặt hàng có mức tăng cao, có những mặt hàng tăng cả về lượng, cả về đơn giá; ở nhiều thị trường, trong đó có những thị trường có mức tăng lớn, nhất là Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy xuất khẩu tăng cao, nhưng so với cùng kỳ năm trước đã thấp hơn nhập khẩu về tốc độ tăng (35,3%), về mức tăng (49,057 tỷ USD), về quy mô (hơn 188 tỷ USD). Nhập khẩu tăng cao ở cả 2 khu vực (khu vực trong nước tăng 29,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 38,5%); ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu, trong đó có những mặt hàng có mức tăng lớn, có những mặt hàng tăng về lượng, tăng về đơn giá với tốc độ tăng khá cao; ở nhiều thị trường, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…

Do vậy, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (8,706 tỷ USD, với tỷ lệ xuất siêu 5,9%) sang nhập siêu trong kỳ này (2,693 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu 1,5%). Nhập siêu hoàn toàn do khu vực kinh tế trong nước, so với cùng kỳ tăng cả về mức nhập siêu (17,79 tỷ USD so với 8,748 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (36,7% so với 20,7%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy vẫn xuất siêu, nhưng đã giảm về quy mô (hơn 15 tỷ USD so với 17,454 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (11% so với 17,5%).

Cùng với đó, nhập siêu lớn ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN; trong 6 tháng có Đài Loan, Thái Lan, Malaixia, Ailen, Campuchia, Côoét, Inđônêxia, Áo, Braxin, Áchentina...

Dự báo cả năm, mức nhập siêu có thể lên tới trên dưới 5 tỷ USD, ngược chiều với mức xuất siêu 20 tỷ USD của năm 2020 và ngược chiều với kịch bản xuất siêu 4,2 - 5,4 tỷ USD của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Diễn biến tổng mức bán lẻ và nhập siêu (đặc biệt là chênh lệch nhiều giữa mức tăng nhập khẩu và mức tăng xuất khẩu, cùng với giá nhập khẩu tăng cao,…) sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP; hiện tại có thể làm cho CPI tăng không cao nhưng sẽ tăng lên trong những tháng tới.

Tổng mức bán lẻ có xu hướng giảm theo thời gian

Tháng 7/2021 so với tháng 6 giảm 8,3%; so với cùng kỳ giảm 19,8%. Bình quân 1 tháng trong 5 tháng đạt 416,4 nghìn tỷ đồng, thì trong 6 tháng chỉ còn 408,7 nghìn tỷ đồng (do tháng 6 giảm còn 370 nghìn tỷ đồng), trong 7 tháng còn 398,8 nghìn tỷ đồng (do tháng 7 giảm còn 339,4 nghìn tỷ đồng).

Phương Dung

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam