Ứng phó dịch, ngân hàng đua dịch vụ trực tuyến

18:35 | 10/08/2021 Print
(TBTCVN) - Diễn biến dai dẳng của dịch Covid-19 đang làm thói quen chi tiêu của người dân chuyển sang thanh toán trực tuyến và điều này, cũng khiến cho các ngân hàng tận dụng cơ hội trong huy động vốn không kỳ hạn.

nh

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Techcombank được cho là ngân hàng nhanh chân nhất trong cuộc chạy đua huy động vốn không kỳ hạn. Theo đó, ngân hàng này là một trong những ngân hàng đầu tiên “tung chiêu” miễn phí mọi giao dịch chuyển tiền cho khách hàng và điều này đã kích thích người dân để tiền trong tài khoản nhiều. Kết quả là lãi suất huy động bình quân của ngân hàng được kéo xuống mức rất thấp.

Đầu năm 2021, JP Morgan công bố báo cáo với nhận định về các ngân hàng Việt Nam, trong đó đề cập về Techcombank có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2020 đạt mức cao kỷ lục, lên tới 46,1%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao giúp cho hệ số biên thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt khá cao trong các ngân hàng trong năm 2020, với khoảng 4,9%.

Hệ số biên thu nhập lãi thuần là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu. Thu nhập lãi thuần là chênh lệch giữa “thu nhập lãi và thu nhập tương tự” và “chi phí lãi và chi phí tương tự” được lấy trên bảng kết quả hoạt động kinh doanh. Tài sản sinh lãi là tổng các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tại các ngân hàng khác, chứng khoán đầu tư, cho vay khách hàng, chứng khoán kinh doanh. Các số này được lấy trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Tuy nhiên, Techcombank đang phải đối mặt với sự chia sẻ miếng bánh ngày càng gắt gao hơn với các ngân hàng khác, khi nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng chính sách miễn giảm phí giao dịch điện tử.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến giữa năm 2021, hầu hết các ngân hàng lớn đã đưa phí chuyển tiền về 0 đồng và 81% số lệnh chuyển tiền đã được miễn phí. Ngoài ra, ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng đã được triển khai vào cả các ứng dụng dịch vụ công và việc xử lý giao dịch thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng cũng đã tăng rất mạnh thời gian qua.

Xu hướng vào cuộc của hầu hết các ngân hàng lớn trong việc miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, một phần tạo ra lợi ích người dân trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, một mặt cũng đã tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong thu hút dòng vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn. Trong bối cảnh này, Techcombank một phần đang bị chia sẻ thị phần với các ngân hàng khác, nhưng một phần cũng vẫn cùng hưởng lợi chung nhờ quy mô tăng lên của dịch vụ thanh toán.

Nhất cử lưỡng tiện

Việc đẩy mạnh dịch vụ trực tuyến cũng được hậu thuẫn bởi các chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước, trong đó thông điệp được đưa ra nhằm tăng thêm ưu đãi cho khách hàng và người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Thông điệp là vậy, nhưng ở góc độ lợi ích các ngân hàng, các ưu đãi dịch vụ trực tuyến cũng có một mặt “tiện lợi” cho ngân hàng khi có thể tiếp tục nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên cao hơn khi người dân sẽ để nhiều tiền hơn trong các tài khoản thanh toán như đề cập ở phần trên.

Trong xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến. Động thái gần đây nhất là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021.

Trên cơ sở đó, NAPAS triển khai chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử lần thứ hai trong năm 2021. Theo đó, cụ thể NAPAS giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ tháng 8/2021 đến cuối năm 2021. Trước đó trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, tổ chức này đã thực hiện 3 lần giảm phí dịch vụ (lần 1 vào ngày 25/2/2020, lần 2 vào ngày 25/3/2020 và lần 3 vào ngày 23/11/2020) với tổng số tiền giảm phí lên tới 530 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ tại Việt Nam. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính...

Kiến nghị giảm cước tin nhắn SMS gửi khách hàng

Về phía Hiệp hội Ngân hàng, trong nỗ lực giảm chi phí cho các ngân hàng và các khách hàng của họ trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tổ chức này cũng đang kiến nghị giảm cước tin nhắn SMS.
Theo đó trong văn bản mới đây gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao và lượng tin nhắn tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng. Hiện nay, một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, một tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Trong khi đó, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam