Chứng khoán tuần: Vốn ngoại tiếp tục mua ròng, tín hiệu vui?

10:16 | 08/08/2021 Print
Đà tăng 9 phiên liên tục của thị trường hai tuần trở lại đây đã bị ngắt quãng bằng phiên giảm nhẹ cuối tuần qua.

CK

Biên độ tăng 102 điểm phải trả lại hơn 4 điểm không phải là câu chuyện lớn. Vốn ngoại bất ngờ mua ròng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp và có tuần mua ròng thứ 5 trong 6 tuần gần nhất.

Vốn ETF mua là chính

Khối ngoại quay lại mua ròng là một trong những thay đổi lớn nhất ở nhịp tăng hiện tại. Trên sàn HoSE, tổng giá trị mua ròng với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt khoảng 2.411 tỷ đồng. Sàn HNX mua ròng khoảng 28,1 tỷ đồng. Tổng mức mua tuần này tăng gấp 3 lần so với tuần cuối tháng 7.

Chuỗi tháng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu ngắt quãng từ giữa tháng 6 vừa qua khi lần đầu tiên sau hàng năm trời bán ra ròng rã, dòng vốn này đã có trọn một tuần mua ròng. Tuy nhiên chỉ từ đầu tháng 7 trở lại đây tín hiệu mới rõ hơn khi có 5/6 tuần khối này mua ròng. Thống kê tháng 7, lượng vốn mua ròng riêng cổ phiếu sàn HoSE đạt 4.802 tỷ đồng, là tháng mua ròng đầu tiên sau 9 tháng liên tục bán ròng.

Sự thay đổi này làm nổi lên kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều quay lại mua ròng, trở thành một yếu tố hỗ trợ thị trường phục hồi sau nhịp giảm đầu tháng 7. Tuy nhiên theo thống kê của SSI, lượng vốn mua ròng tháng 7 chủ đạo là vốn ETF với gần 4.800 tỷ đồng giải ngân (206,6 triệu USD), trong đó quỹ Fubon FTSE ETF đã mua tới 172 triệu USD.

Dòng vốn ETF mua vào không phải với lý do giá đã điều chỉnh hay giá trở nên hấp dẫn. Vốn ETF là vốn được phân bổ và mục đích là bám theo hiệu suất của một chỉ số đại diện. Chiến lược giao dịch hoàn toàn khác với các quỹ chủ động, khi các quỹ chủ động phải đánh giá thị trường, lựa chọn thời điểm, lựa chọn cổ phiếu để đạt hiệu suất tốt nhất. Vốn ETF có là giải ngân, thua lỗ trong ngắn hạn không phải là vấn đề và trách nhiệm của công ty quản lý quỹ là làm sao hiệu suất đầu tư chênh lệch ít nhất với chỉ số đại diện, nghĩa là giảm cùng giảm, tăng cùng tăng.

Vốn ETF cũng không phải là dòng vốn năng động để có thể trông chờ vào “đỡ” thị trường. Dĩ nhiên việc mua một khối lượng cổ phiếu lớn sẽ làm giảm khối lượng trôi nổi và tạo nên hiệu ứng nhất định về cung cầu. Tuy vậy cũng phải nhấn mạnh rằng quy mô của thị trường cũng như khối lượng cổ phiếu hiện đã rất lớn và tỷ trọng dòng vốn ngoại trên thị trường đang ngày càng giảm đi sau khi dòng vốn cá nhân trong nước bùng nổ từ năm ngoái. Lấy ví dụ tuần qua, khối ngoại mua ròng 2.297,7 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE, con số rất ấn tượng, nhưng tổng giá trị giải ngân cũng chỉ chiếm 7,5% tổng giá trị giao dịch của sàn này.

VNI
Nhịp tăng của VN-Index hiện tại đã đạt ngưỡng kháng cự kỹ thuật quan trọng.

Ngã ba đường

Điều đáng chú ý hơn so với diễn biến của dòng vốn ngoại tuần qua là thanh khoản có sự gia tăng khá tốt. Trung bình mỗi ngày giá trị khớp lệnh hai sàn đạt khoảng 22.143 tỷ đồng, tăng 27,4% so với trung bình tuần trước đó. Như vậy đã có sự tương thích giữa giá tăng và thanh khoản tăng.

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang đứng trước “ngã ba đường” và ngả rẽ tốt hay xấu vẫn chưa thể xác định được. Về mặt kỹ thuật, nhịp phục hồi từ đáy thấp nhất ngày 20/7 tới nay vẫn chỉ là tăng kỹ thuật sau khi thị trường sụt giảm mạnh đầu tháng 7. Điều này các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật đều hiểu rất rõ, vì mức độ phục hồi vẫn nằm trong biên độ thông thường của nhịp giảm liên trước.

Cụ thể, trong mối tương quan với nhịp điều chỉnh từ đỉnh 1.424,82 điểm đầu tháng 7 tới đáy sâu nhất 1.225,52 điểm ngày 20/7, mức phục hồi đến hết tuần qua vẫn tương đương với tỷ lệ 61,8% mức giảm. Thực tế là tỷ lệ 61,8% được coi là ngưỡng kháng cự kỹ thuật rất quan trọng, mà phiên cuối tuần qua thị trường đã tỏ ra ngập ngừng. Tỷ lệ 61,8% biên độ giảm tương đương với ngưỡng điểm số 1.348,35 điểm mà nhiều phân tích đã làm tròn thành 1350 điểm. VN-Index ngày cuối tuần đã tăng lên 1351,85 điểm rồi lại quay đầu giảm, nghĩa là vẫn đang gặp khó khăn tại ngưỡng kháng cự kỹ thuật.

Một điều rất thú vị trong phân tích kỹ thuật là bất kỳ ngưỡng kháng cự, hỗ trợ nào cũng không hàm ý rằng thị trường PHẢI tăng hay giảm tại vùng đó, mà chỉ là có XÁC SUẤT cao là tăng hay giảm mà thôi. Ở thị trường hiện tại, ngưỡng 1350 điểm không phải là giới hạn cuối cùng của nhịp phục hồi, nhưng có khả năng cao là như vậy. Do đó thị trường đang ở “ngã ba đường” và nhà đầu tư sẽ chọn ngả rẽ cho thị trường bằng quyết định mua hay bán.

Trọng Nghĩa

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam