Thu ngân sách dự báo sẽ có nhiều khó khăn

09:46 | 14/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, hoặc nếu có hoạt động thì cũng chỉ cầm chừng, điều này sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế. Nhiều cục thuế cho biết, tình hình thu ngân sách từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ khó khăn. 					Ảnh: NM

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ khó khăn. Ảnh: NM

Doanh nghiệp gặp khó vì phải thực hiện giãn cách chống dịch

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay đã được hơn 3 tháng, tuy nhiên diễn biến dịch còn khá phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là một số tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã thực hiện giãn cách nhiều tuần nay. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho biết, hiện có tới 98% khách hàng của công ty bị ảnh hưởng do dịch, 30% là dừng hẳn theo yêu cầu của các cấp chính quyền, 50% cầm chừng, chỉ khoảng 18% khách hàng hoạt động, doanh thu từ đó ảnh hưởng theo. “Để duy trì hoạt động, chúng tôi phải giảm phí dịch vụ từ 30 - 50%, đồng thời cho khách hàng trả chậm vì họ quá khó khăn” - ông Thức chia sẻ.

Để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các địa phương cho phép một số doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ), giảm 50% công suất hoạt động để đảm bảo giãn cách... Tuy nhiên, mô hình này hiện nay đang có nhiều vấn đề cần phải thay đổi do có nhiều bất cập không phù hợp với các tỉnh phía Nam.

“Nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, từ tháng 9/2021 trở đi chúng tôi phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, cho nhân viên nghỉ không lương. Với những người phải đi làm thì hưởng 70 - 80% lương so với trước đó. Dù tiết kiệm mọi thứ để có thể tồn tại, chúng tôi vẫn phải chi phí, vẫn phải xuất hóa đơn đóng thuế, đóng bảo hiểm, mà phí dịch vụ của khách hàng thì không thu được, chúng tôi chịu không nổi” - ông Thức nói.

Đề cập đến những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh thu, từ đó cũng ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. “Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, dự báo sẽ còn kéo dài, như vậy cộng đồng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…” - ông Phòng nói.

Thu ngân sách dự báo sẽ gặp khó khăn

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc thu ngân sách của ngành Thuế cũng sẽ gặp khó khăn. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Hồng Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cho biết, trước diễn biến của dịch Covid-19, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn huyện Lương Sơn.

“Đây là vùng động lực kinh tế, giáp ranh với địa bàn TP. Hà Nội, có khu công nghiệp Lương Sơn tập trung nhiều doanh nghiệp trọng điểm, là nơi có hoạt động về kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản sôi động. Đối với địa bàn thành phố Hòa Bình, các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng cũng ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp trọng điểm về du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện Kim Bôi, Mai Châu cũng bị ngưng trệ do tình hình dịch bệnh. Trước những khó khăn trên, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2021 của cục thuế mới chỉ thực hiện được 2.121 tỷ đồng, đạt 51% dự toán pháp lệnh” - ông Long nói.

Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Từ 1/6/2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ vùng dịch, đến vùng dịch qua địa bàn tỉnh, cấm hoạt động tắm biển; các hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát… không phục vụ tại chỗ và đến 12h trưa.

“Với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm doanh thu, hàng hóa tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó nặng nề nhất là ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí với hơn 1.500 đơn vị không hoạt động, hoặc hoạt động nhưng không có khách, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng” - ông Bình nói.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu ngân sách những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, do năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, áp lực lạm phát trong trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. “Nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát, sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách trong thời gian tới” - ông Huy nói.

Số thu có xu hướng giảm các tháng gần đây

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, những khó khăn thể hiện qua số thu tháng 5, tháng 6 vừa qua đều có xu hướng giảm mạnh so với số thu bình quân 4 tháng đầu năm. Cụ thể, số thu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 122.340 tỷ đồng; số thu tháng 5 chỉ đạt 88.072 tỷ đồng; tháng 6 chỉ đạt 73.500 tỷ đồng, tương ứng giảm 34.200 tỷ đồng và 48.800 tỷ đồng so với số thu bình quân 4 tháng đầu năm. Với tình hình này, dự kiến thu ngân sách các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam