Việt Nam được hưởng lợi gì khi tham gia Tuyên bố về thuế với nền kinh tế số?

17:34 | 11/08/2021 Print
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa ban hành Tuyên bố về Giải pháp hai trụ cột đối phó với thách thức thuế từ nền kinh tế số. Việt Nam là một trong 132 nước tham gia tuyên bố chung này và sẽ được hưởng lợi về thuế đối với hoạt động kinh tế số đang phát triển mạnh hiện nay.

kinh tế số

Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế khi các công ty đa quốc gia có doanh thu hàng triệu USD tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa.

Đảm bảo công bằng về thuế đối với các công ty đa quốc gia

Để hưởng ứng các giải pháp về thuế đối với nền kinh tế số, 132/139 quốc gia thành viên của khuôn khổ Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyên lợi nhuận (Dự án BEPS), Việt Nam và 132 quốc gia (đại diện hơn 90% GDP toàn cầu) đã gia nhập Tuyên bố xác lập một khuôn khổ mới cải cách thuế quốc tế để đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia nộp phần thuế công bằng của họ tại nơi họ hoạt động.

Tuyên bố được dựa trên một giải pháp trọn gói gồm hai trụ cột. Thứ nhất, đảm bảo một sự phân chia công bằng về lợi nhuận và các quyền đánh thuế giữa các nước đối với các công ty đa quốc gia lớn, những người nộp thuế được coi là bên thắng cuộc trong tiến trình toàn cầu hóa.

Thứ hai, tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thông qua áp dụng một sắc thuế TNDN tối thiểu toàn cầu mà các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể sử dụng để bảo vệ các cơ sở thuế của mình. Trụ cột thứ hai này không triệt tiêu cạnh tranh thuế, mà sẽ xác lập các giới hạn được đồng thuận toàn cầu về cạnh tranh thuế quốc tế.

Sự đồng thuận quốc tế sẽ mang lại nguồn thu thuế lớn cho các chính phủ trên thế giới. Với trụ cột thứ nhất, quyền đánh thuế đối với hơn 100 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được chia lại cho các quốc gia và vùng lãnh thổ với tư cách là thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

Với trụ cột thứ hai, một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15% được kỳ vọng sẽ tạo ra một nguồn thu thuế mới khoảng 150 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Các lợi ích khác cũng sẽ phát sinh từ sự bền vững hóa của hệ thống thuế quốc tế và tính chắc chắn về thuế ngày càng tăng đối với cả người nộp thuế và các cơ quan thuế.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một nhóm nhỏ trong số 139 quốc gia thành viên của khuôn khổ Dự án BEPS chưa tham gia tuyên bố. Hơn nữa, giải pháp hai trụ cột cũng có một số điểm mà các thành viên của khuôn khổ BEPS cần tiếp tục nhất trí về chi tiết, bao gồm một kế hoạch thực hiện sẽ được kết luận vào tháng 10/2021 làm cơ sở xây dựng pháp luật và hướng dẫn mẫu và một hiệp định đa quốc gia vào năm 2022 để có hiệu lực áp dụng từ năm 2023.

Việt Nam được lợi gì khi tham gia Tuyên bố chung?

Đối với trụ cột thứ nhất, phạm vi áp dụng là các công ty đa quốc gia, với tổng doanh thu toàn cầu trên 20 tỷ Euro, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu trên 10% là đối tượng áp dụng. Mức ngưỡng doanh thu sẽ được giảm xuống 10 tỷ Euro nếu việc áp dụng thành công trong 7 năm đầu tiên sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Các ngành khai khoáng, dịch vụ tài chính và vận tải quốc tế được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng.

Với trụ cột thứ hai, mục tiêu là tạo ra một sân chơi cạnh tranh thuế TNDN lành mạnh thông qua áp dụng sắc thuế TNDN tối thiểu toàn cầu mà các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể sử dụng để bảo vệ các cơ sở thuế của mình; đồng thời, xác lập các giới hạn được đồng thuận toàn cầu về cạnh tranh thuế quốc tế, thay vì triệt tiêu cạnh tranh thuế.

Đối với với Việt Nam, khi tham gia tuyên bố, có thể các lợi ích thuế từ trụ cột thứ hai không nhiều do mức thuế suất thuế TNDN hiện nay (20%), cao hơn mức thuế suất tối thiểu 15%. Trong khi đó, các hiệp định thuế của Việt Nam đều quy định mức thuế suất thuế khấu trừ tại nguồn đối với các khoản thanh toán lãi tiền vay, bản quyền tương đối cao (phần lớn trên 10%) so với mức thuế tối thiểu đề xuất là 7,5% - 9%.

Tuy nhiên, với trụ cột thứ nhất, hoàn hoàn có thể lạc quan để hy vọng Việt Nam sẽ dành được phần thu thuế chính đáng của mình với tư cách là một thị trường tiêu thụ không nhỏ các loại hàng hóa, dịch vụ của các công ty đa quốc gia.

Như vậy, dù chưa có số liệu chính thức, nhưng với thị trường thương mại điện tử bán lẻ quy mô không nhỏ (13,56 tỷ euro năm 2020) và tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, chắc chắn sẽ có hơn 1 triệu Euro tạo nên doanh thu của các công ty đa quốc gia, nên Việt Nam sẽ là một khu vực pháp lý thị trường được phân bổ lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia theo nguyên tắc thuế quốc tế mới.

Để tận dụng được điều này, trước mắt Việt Nam cần chuẩn bị để nội luật hóa các nguyên tắc của tuyên bố ngay sau khi có hiệu lực; đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ nguồn thu của các công ty đa quốc gia thuộc phạm vi trên lãnh thổ của mình để dành được nguồn thu thuế chính đáng./.

Nguyễn Thịnh (tổng hợp)

Nguyễn Thịnh (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam