Bài 2: “Mùa vụ” của buôn lậu biến tướng

10:14 | 13/08/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp nếu không đình trệ thì cũng đối diện vô vàn khó khăn. Nhưng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, khi các đối tượng sử dụng “trăm phương ngàn kế” để thích ứng..

9

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ hoạ: Hồng Vân

Chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, buôn lậu không những không giảm bởi tác động của dịch Covid-19 mà còn có phần “sôi động” hơn trên tất cả các tuyến.

Ở tuyến đường bộ, lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép gây nguy cơ lây lan dịch bệnh đã phần nào khiến hoạt động buôn lậu “có vẻ” yên ắng. Tuy nhiên, thực chất lại nổi lên nguy cơ cao về việc đối tượng buôn lậu lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) để “ngang nhiên” đưa hàng qua cửa khẩu; hay lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu… Các đối tượng buôn lậu khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, làm giả C/O, giá khai báo thấp hơn giá thực tế; lợi dụng hàng tạm nhập - tái xuất, hàng kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu để trung chuyển hàng cấm qua Việt Nam.

Ở cảng biển, các đối tượng lợi dụng ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, lợi dụng chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, hàng nhập gia công sản xuất xuất khẩu để khai sai hoặc không khai thông tin để nhập khẩu hàng cấm.

Trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, hàng hóa vi phạm chủ yếu có trị giá cao như quần áo may sẵn, điện thoại di động, laptop, máy ảnh, máy quay phim, mỹ phẩm các loại, trang sức, vàng, đá quý, tân dược, ngoại tệ, gỗ quý, động vật hoang dã, vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Buôn bán ma túy thì được “nâng tầm”, thay vì vận chuyển nhỏ lẻ qua đường mòn, lối mở thì các đường dây trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau thành lập doanh nghiệp (DN) làm bình phong nhằm cất giấu một cách tinh vi và vận chuyển ma túy số lượng lớn qua phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa XNK,…

Một cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phải dùng từ “quá vất vả” khi miêu tả về những ngày tháng “vừa chống dịch, vừa buôn lậu”.

Buôn lậu cũng biết “thức thời”

Sự biến tướng của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong “mùa” Covid-19 không chỉ nằm ở việc “tinh vi hóa” thủ đoạn mà còn ở chỗ sự “thức thời” của các đối tượng trong bối cảnh mới. Sự “thức thời” này được minh chứng bằng hai hiện tượng điển hình, đó là buôn lậu các mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng và lợi dụng hàng quá cảnh vốn được ưu đãi trong quản lý.

Từ đầu năm 2020, khi bắt đầu có dịch, nhu cầu về khẩu trang, găng tay y tế tăng vọt khiến cầu thừa mà cung thiếu. Các đối tượng đã chớp thời cơ thực hiện nhiều vụ việc buôn lậu hai mặt hàng này không rõ nguồn gốc hoặc đã qua sử dụng vào Việt Nam để trục lợi. Nhiều vụ việc đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ. Ví dụ như tháng 8/2020, Hải quan cửa khẩu Lý Vạn (Cao Bằng) bắt giữ vụ vận chuyển 678.000 khẩu trang y tế trái phép do đối tượng giấu trong xe tải nhập cảnh từ Trung Quốc sang. Ở phía Nam, tháng 3/2021, Hải quan Mộc Bài (Tây Ninh) cũng phát hiện 2 đối tượng vận chuyển trái phép 187.950 chiếc khẩu trang y tế. Trong lúc đó, Hải quan Tịnh Biên (An Giang) bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 164.600 chiếc khẩu trang y tế,… Điển hình nhất của loại hình buôn lậu “mùa vụ” này là sự việc khởi tố 2 DN, một trong Nam, một ngoài Bắc vì cùng một hành vi là nhập lậu găng tay cũ, đã qua sử dụng nhưng kê khai là găng tay mới 100% với tổng lượng hàng lên tới hơn 20 tấn.

Một “đặc sản” nữa được các đối tượng phát huy mạnh là lợi dụng loại hình quá cảnh không thuộc diện kiểm tra hồ sơ và hàng hóa để vận chuyển hàng cấm qua Việt Nam, sau đó thẩm lậu trở lại tiêu thụ nội địa.

Thực tế, hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc, qua Việt Nam đi các nước Campuchia, Lào ngày càng phát triển và đem lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động, là nguồn thu đáng kể của các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi buôn lậu gặp khó khăn do Covid-19, loại hình quá cảnh ngay lập tức được các đối tượng tìm đến. Trong những tháng đầu năm, lượng tờ khai của loại hình này bỗng tăng đột biến nên cơ quan hải quan đã lập tức đưa các DN nghi vấn vào “tầm ngắm” và tổ chức đấu tranh.

Đợt cao điểm đấu tranh với loại hình buôn lậu này là vào giữa năm 2020. Khi đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp hải quan ở các địa phương: Lạng Sơn, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Bình dừng hàng hóa qua khu vực giám sát để kiểm tra trọng điểm 20% số container hàng hóa và phát hiện tới 75,8% vi phạm, trong đó 38,5% hàng vi phạm là hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng, 61,5% là hàng hóa không khai báo, sai khai báo. Sau nhiều vụ việc bị phát hiện, cơ quan hải quan đã đưa loại hình kinh doanh này vào diện quản lý rủi ro để hệ thống thông quan tự động phân luồng Đỏ với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác đã gắn seal định vị điện tử để giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, như Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Tài chính, các đối tượng buôn lậu qua loại hình hàng quá cảnh đã trở nên manh động hơn, cắt seal hải quan, tháo lắp container. Hiện nay, cơ quan hải quan đang tiến hành điều tra, phối hợp với công an xác minh bắt giữ 73 container hàng tạm nhập tái xuất quá cảnh nhưng đã bị rút ruột, vẫn còn nguyên chì, cắm điện, giả vờ hàng đông lạnh vẫn còn trong đó.

* Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội:
Nhiều thủ đoạn rất tinh vi

Trước tình hình Covid-19, các đối tượng, doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách của Nhà nước tạo thuận lợi thông thoáng trong xuất nhập khẩu để trà trộn ma túy, hàng cấm lẫn với hàng tiêu dùng như thực phẩm chức năng, sữa, đồ chơi trẻ em, đóng gói giống với nhà sản xuất để đánh lừa cơ quan chức năng. Ngoài ra, nhiều đối tượng có những thủ đoạn hết sức tinh vi như giao dịch thông qua DN chuyển phát trong nước và quốc tế với ủy thác lòng vòng, tên người gửi người nhận không có thật; giao dịch trên các hệ thống zalo, facebook, rất khó kiểm tra kiểm soát.

* Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn:
Tăng cường thu thập thông tin về doanh nghiệp

Tình trạng buôn lậu thông qua hoạt động kê khai hải quan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng sử dụng hóa đơn bán hàng để lưu thông hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam không có nguồn gốc nhập khẩu hay việc lợi dụng đặc thù của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để đưa hàng hóa vào sâu trong nội địa đang gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các doanh nghiệp (DN) có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại thông qua việc kê khai hải quan, Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường thu thập thông tin về DN, nhất là những DN đã bị xử lý về hành vi này.

Đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu hải quan địa phương thực hiện phân tích thông tin hàng hóa quá cảnh, phát hiện lô hàng có dấu hiệu cất giấu hàng cấm, hàng quá cảnh phải có giấy phép nhưng không có giấy phép, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không khai báo và thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa (tỷ lệ 100%), xử lý vi phạm (nếu có).

Chi cục hải quan nơi vận chuyển đi thực hiện việc gắn seal định vị điện tử lên toa xe chở hàng. Chi cục hải quan cửa khẩu xuất thực hiện kiểm tra seal định vị điện tử và cho phép hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa còn nguyên seal.

Đón xem bài 3: Dấu ấn từ những chuyên án “khủng”

Hồng Vân

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam