Ngành Nông nghiệp: “3 tại chỗ”, gấp rút thi công nhiều công trình trọng điểm

10:03 | 13/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các công trình trọng điểm, quy mô lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện vẫn tất bật thi công suốt ngày đêm.

8

Công trường thủy lợi Đồng Mít, tỉnh Bình Định.

Các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án, từ đó, góp phần tác động đến tăng trưởng và phục vụ cho sản xuất cũng như phòng chống thiên tai.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Để khắc phục khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thuyết phục các tỉnh cho thi công những công trình trọng điểm quan trọng bằng cách đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định, thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ", gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ. Đặc biệt, cán bộ, công nhân trên công trường, các bộ phận vận chuyển vật liệu… được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng, chống dịch và được chia thành nhiều ca làm việc trên công trường để đảm bảo giãn cách…

Phấn đấu giải ngân vốn trong nước đạt 100% kế hoạch

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 9.846 tỷ đồng, gồm vốn trong nước là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA là 2.845 tỷ đồng. Bộ này đã rà soát và dự kiến giải ngân cả năm 2021 với phần vốn trong nước phấn đấu đạt 100% kế hoạch được giao; phần vốn nước ngoài phấn đấu giải ngân đến mức tối đa do gặp một số vướng mắc về quy định xuất xứ nguyên vật liệu theo hiệp định đã ký với nhà tài trợ, quy định của Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 không cho sử dụng vốn nước ngoài để thanh toán thuế và một số khoản chi khác.

Là một trong những công trình trọng điểm đang được thi công trong thời gian giãn cách xã hội, dự án công trình hồ chứa nước Đồng Mít (tỉnh Bình Định) của Bộ NN&PTNT vẫn hối hả thi công, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa siết chặt phòng dịch.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Quang Lộc – Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 (Ban 7 - Bộ NN&PTNT) cho biết, những ngày này, gần 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công trên các công trình thuộc Ban 7 quản lý. Trong đó cao điểm nhất là dự án hồ chứa nước Đồng Mít, tỉnh Bình Định với 400 cán bộ, công nhân đang hối hả làm việc ngày đêm để thi công hoàn thành công trình trong quý IV/2021. Toàn bộ dự án có hơn 400 cán bộ, công nhân chia thành nhiều ca làm việc trên công trường để đảm bảo giãn cách. Ngoài ra, trên công trường đã tiến hành dựng nhiều khu lán trại riêng biệt để công nhân ăn ở, sinh hoạt tại chỗ, phòng dịch bệnh lây lan từ bên ngoài. Cán bộ công nhân được xét nghiệm 2 lần/tuần; một số trường hợp đã được ưu tiên tiêm vắc-xin từ 1 đến 2 mũi. Vì vậy, cán bộ, kỹ sư và người lao động phần nào yên tâm bám trụ công trường để ngày đêm thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

“Dự án công trình hồ chứa nước Đồng Mít được Bộ NN & PTNT phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 9/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 2.142,9 tỷ đồng; trong đó hợp phần xây lắp 1.409,4 tỷ đồng. Đến nay hợp phần xây lắp đã hoàn thành được 92,6%. Công trình đã chặn dòng, tích nước từ đầu năm nay. Theo kế hoạch, cuối năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng. Với quy mô dung tích hồ chứa 89,8 triệu m3, hồ Đồng Mít sau khi hoàn thành sẽ điều tiết nguồn nước tưới cho hơn 6.740 ha đất canh tác ở 5 huyện; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người và tạo nguồn cấp nước cho khu công nghiệp 230 ha. Bên cạnh đó công trình này còn góp phần cắt giảm lũ cho hạ lưu, cải thiện môi trường sinh thái và chống xâm nhập mặn cho vùng hạ du”- ông Lộc chia sẻ.

Tương tự, đối với công trình chống hạn, vượt lũ Dự án thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận), ngay từ đầu đại dịch Covid-19, Ban 7 đã tuyên truyền đến từng người lao động, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, đảm bảo sức khỏe người lao động. Đồng thời, Ban 7 cũng nhanh chóng tổ chức chuyển sang họp trực tuyến, trao đổi thông tin, xử lý công việc qua zalo, email… để hạn chế tiếp xúc mà vẫn bảo đảm công việc thông suốt, không bị ách tắc…

Với cách làm đó, nhiều dự án khác của Bộ NN&PTNT như hồ sông Lũy (Bình Thuận), sông Chò (Khánh Hòa) thuộc Ban 7 làm chủ đầu tư; hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) thuộc Ban 10 làm chủ đầu tư… cũng đang được các cán bộ, kỹ sư, công nhân gấp rút thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay, góp phần phát huy hiệu quả của các dự án ở những địa phương đang hết sức khó khăn về nguồn nước.

Xử lý kịp thời các vướng mắc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: “Năm 2021 là năm kết thúc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án phải hoàn thành, bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt. Công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các đơn vị, chủ đầu tư, chủ dự án, đã khắc phục khó khăn, xử lý tốt các vướng mắc trong triển khai dự án, thúc đẩy giá trị giải ngân các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu và đạt mức trung bình chung của cả nước”.

Theo đó, 7 tháng đầu năm khối lượng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành NN&PTNT đạt 4.183 tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch năm 2021. Trong đó, dự án trái phiếu chính phủ giải ngân 2.793 tỷ đồng, bằng 49,5% kế hoạch; dự án ODA giải ngân 1.135 tỷ đồng, bằng 34,6%. Bộ đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 121 dự án/130 dự án dự kiến mở mới giai đoạn 2021 - 2025, đạt 93,1%.

Để đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngành NN&PTNT trong 5 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ thường xuyên họp giao ban bằng nhiều hình thức, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 để xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương.

Bộ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công, theo đó khen thưởng đơn vị giải ngân hết hoặc vượt kế hoạch được giao, xử lý tốt các vướng mắc, khó khăn, quyết liệt triển khai dự án; đồng thời phê bình các đơn vị yếu kém, không đạt tiến độ giải ngân được giao khi đã được hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn…

Cần hơn 600.000 tỷ đồng đảm bảo an ninh nguồn nước, hồ chứa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ này đang hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ về dự thảo đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045”.

Dự thảo đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu ứng dụng vào thực tiễn các giải pháp khoa học công nghệ nhằm quản lý nước thông minh trên nền tảng công nghệ số, vận hành an oàn công trình, kiểm soát sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai liên quan đến nước. Đồng thời, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước, liên kết nguồn nước các lưu vực sông lớn đảm bảo tích trữ, cân đối, điều hòa nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ… Theo dự thảo đề án, dự kiến cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng đến năm 2030 để thực hiện các kết hoạch trên.

Mục tiêu đến năm 2045, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong quản lý, khai thác, sử dụng nước phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới; hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông; hình thành mạng lưới liên kết, chuyển nước vùng, quốc gia, vận hành trên nền tảng công nghệ số, chủ động nguồn nước nội sinh, giảm phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ...

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam