Đề xuất nâng mức dư nợ cho Đà Nẵng lên 60%

16:06 | 12/08/2021 Print
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, đề xuất nâng mức dư nợ vay của thành phố từ 40% lên 60%, hỗ trợ cho địa phương có nguồn đầu tư phát triển.

đà nẵng

Đà Nẵng cần nhu cầu vốn lớn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các công trình, dự án trọng điểm. Ảnh: TL.

Đến năm 2021 dư nợ mới đạt hơn 32% mức cho phép

Nghị định này sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản của một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP (Nghị định 144) ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Theo Nghị định 144, mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

Với quy định này, dự kiến năm 2021 mức dư nợ vay tối đa của thành phố Đà Nẵng theo quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP là 4.977,6 tỷ đồng (dư nợ vay của thành phố đến ngày 31/12/2021 dự kiến 1.611,3 tỷ đồng, mới bằng 32,3% mức dư nợ vay cho phép).

Thực tế, sau khi Nghị định 144/2016/NĐ-CP được ban hành, UBND thành phố đã ban hành quyết định triển khai kế hoạch thực hiện. Song, do nguồn thu ngân sách của thành phố tương đối ổn định và đảm bảo đạt dự toán được giao hằng năm trong giai đoạn 2016-2018, do vậy thành phố không tổ chức việc vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành về tỷ lệ huy động vốn hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại của Đà Nẵng. Tuy nhiên, nâng mức dư nợ vay để thời gian tới thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây, đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Lên mức 60%, Đà Nẵng có thêm gần 2.500 tỷ đồng đầu tư phát triển

Tại dự thảo nghị quyết này, dự kiến Bộ Tài chính đề xuất nâng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp. Nếu nâng mức dư nợ vay lên 60%, tính theo dự toán năm 2021, dư nợ vay tối đa của thành phố khoảng 7.470 tỷ đồng, tăng 2.492 tỷ đồng so với quy định hiện hành.

Việc nâng mức dư nợ vay nhằm tạo điều kiện cho Đà Nẵng có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do nguồn cân đối từ ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu, không phải trả lãi khi được vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố. Đồng thời, huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách; đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.

Nội dung này, theo quy định Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận tại phiên họp thứ 44 (tháng 4/2020) theo hướng, nhất trí các nội dung trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định hoặc Chính phủ sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP theo thẩm quyền (sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% hoặc 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (tùy địa phương). Quy định này nhằm đảm bảo trong việc cân đối ngân sách địa phương giữa thu ngân sách và vay nợ của chính quyền địa phương.

Trường hợp quy mô thu ngân sách địa phương tăng lên thì mức dư nợ tối đa cũng tăng lên, theo đó các tỉnh có thể mở rộng khả năng huy động vốn. Còn tỷ lệ cấp phát và cho vay lại theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP là cơ chế tài chính nhằm tăng trách nhiệm của người sử dụng vốn vay; đồng thời có sự chia sẻ giữa trung ương và địa phương trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã kiến nghị được tăng mức dư nợ vay để có nguồn đầu tư phát triển, tuy nhiên, mức dư nợ vay phải được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn trần nợ công cả nước. Ví như mức vay và bội chi ngân sách của TP. Đà Nẵng hằng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hiện nay, Quốc hội đã đồng ý cho một số thành phố lớn áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng tăng mức dư nợ vay như TP. Hồ Chí Minh và dự kiến Hà Nội sẽ được áp dụng mức dư nợ vay không vượt quá 90%./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam