Quản lý chặt chẽ hàng dự trữ từ khâu nhập đến xuất kho

19:08 | 10/08/2021 Print
(TBTCVN) - Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội thực hiện bảo quản, quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia theo quy trình, quy phạm của Nhà nước và của ngành, đồng thời triển khai thực hiện nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Đông Anh.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Đông Anh. Ảnh: DTHN

Các mặt hàng do đơn vị trực tiếp quản lý và bảo quản được theo dõi, quản lý chặt chẽ từ khâu nhập kho, bảo quản đến xuất kho.

Tăng cường bảo quản thường xuyên và định kỳ

Theo ông Dương Đức Minh - Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Hà Nội, trong thời gian qua, việc đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia (DTQG) là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu đặt ra đối với đơn vị. Chính vì vậy, các mặt hàng do đơn vị trực tiếp quản lý và bảo quản được theo dõi, quản lý chặt chẽ từ khâu nhập kho, bảo quản đến xuất kho.

Đơn vị thực hiện tốt công tác bảo quản thường xuyên, định kỳ hàng hóa DTNN theo đúng quy trình, quy phạm của ngành DTNN và luôn được duy trì đều đặn, mặc dù có những điểm kho cách văn phòng Cục đến 80 km. Các loại hàng hóa DTQG như gạo, thóc luôn được bảo quản an toàn, đảm bảo đúng và đủ về số lượng cũng như về chất lượng; các loại vật tư như xuồng cao tốc, nhà bạt, phao tròn cứu sinh… cũng được bảo quản đảm bảo chất lượng, sẵn sàng khi xuất cấp ra sử dụng.

Qua tìm hiểu thực tế ở một số chi cục, điểm kho cho thấy, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng hàng DTQG; tích cực phòng chống sinh vật hại; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đúng mục đích các tài sản công cụ, dụng cụ bảo quản; bảo dưỡng, bảo trì đúng quy định. Vật tư, vật liệu kê lót được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Hồ sơ kho hàng đầy đủ. Sổ sách và chế độ ghi chép cẩn thận.

Đối với kho hàng không chứa hàng, vật tư kê lót được được thu hồi, phân loại, kê xếp gọn gàng. Hồ sơ, phương án phòng cháy chữa cháy, phòng và chống lụt bão,… cũng được chuẩn bị đầy đủ.

Bảo quản nhiều mặt hàng dự trữ

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội hiện đang bảo quản 12 mặt hàng nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, bao gồm: Thóc, gạo, phao tròn, phao bè, phao áo, nhà bạt cứu sinh, máy bơm chữa cháy, thiết bị khoan cắt, máy phát điện, xuồng các loại, kim loại, đặc biệt đơn vị được giao bảo quản hơn 58.000 tấn muối.

Theo ông Dương Viết Giảng – Chi cục trưởng Chi cục DTNN Thanh Oai, đơn vị thường xuyên bảo quản lượng hàng hóa lớn, một số mặt hàng phải kéo dài thời gian lưu kho, nhất là các mặt hàng lương thực... Chính vì vậy, chi cục duy trì thường xuyên, đảm bảo theo đúng quy trình quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng cường kiểm tra, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình bảo quản, áp dụng các biện pháp cần thiết chống suy giảm chất lượng, như: Mở cửa, bật quạt thông thoáng và tăng cường hút khí, duy trì trạng thái áp suất âm của khối hạt đối với thóc, duy trì nồng độ khí Nitơ đạt ≥ 95% trong bảo quản gạo. Chính vì vậy, 100% các lô, ngăn kho luôn được đảm bảo an toàn số lượng và chất lượng.

Chi cục thực hiện việc bảo quản duy trì thường xuyên, cũng như định kỳ đối với các mặt hàng kim loại, hàng vật tư cứu hộ, cứu nạn (xuồng, phao tròn, phao bè, phao áo, nhà bạt), không để xảy ra hiện tượng biến động về chất lượng, sẵn sàng xuất cấp khi có quyết định của cấp trên, ông Dương Viết Giảng khẳng định.

Hoàn thành trước hạn công tác nhập lương thực

Theo Cục trưởng Dương Đức Minh, do những tác động từ đại dịch Covid -19, nhất là trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên công tác mua nhập lương thực DTQG gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng cục DTNN đối với công tác nhập, xuất hàng hóa DTQG, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, Cục DTNN khu vực Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành vượt tiến độ mua 9.000 tấn gạo, 3.000 tấn thóc DTQG nhập kho được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với nhiệm vụ nhập 9.000 gạo DTQG, đơn vị đã chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện liên quan đến kho tàng, công cụ, dụng cụ, vật tư kê lót, bảo quản,… ngay sau khi nhận được kế hoạch của Tổng cục DTNN giao, đơn vị đã khẩn trương triển khai quy trình tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn để mua gạo đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm ngân sách.

Các doanh nghiệp được lựa chọn cung cấp gạo cho cục là các nhà thầu có năng lực, uy tín, kinh nghiệm theo đúng hồ sơ mời thầu. Trong quá trình tổ chức ký kết thực hiện hợp đồng cung cấp gạo đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về số lượng, chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các đơn vị thuộc cục.

Đối với mua nhập thóc DTQG, Cục trưởng Dương Đức Minh cũng cho biết, trước khi nhận nhiệm vụ, Cục đã xây dựng kế hoạch, trình Tổng cục DTNN, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kế hoạch thu mua theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Sau khi có quyết định của Tổng cục DTNN vào ngày 20/7 thì trong khoảng thời gian gần 2 tuần kể từ khi mở cửa kho (từ 26/7 đến 9/8), các chi cục trực thuộc đã hoàn thành trước hạn nhập 3.000 tấn thóc DTQG.

Cụ thể, Chi cục DTNN Đông Anh nhập 700 tấn thóc; Chi cục DTNN Từ Liêm nhập 500 tấn thóc; Chi cục DTNN Mỹ Đức nhập 400 tấn thóc; Chi cục DTNN Thanh Oai nhập 600 tấn thóc; Chi cục DTNN Hòa Bình nhập 800 tấn thóc.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã xuất, cấp tổng số gần 4.309 tấn gạo dự trữ quốc gia đảm bảo đủ về số lượng, an toàn về chất lượng, đúng đối tượng, quy trình và thời gian quy định. Trong đó, xuất cấp hơn 4.249 tấn gạo hỗ trợ học sinh, học kỳ II năm học 2020 - 2021 tỉnh Hoà Bình, Sơn La; xuất 59,805 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt cho nhân dân tỉnh Sơn La.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam