Gỡ vướng thủ tục hải quan trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển

14:51 | 10/08/2021 Print
Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa bị ùn tắc tại cảng biển.

HCM

Hoạt động bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Tùng

Giải pháp cấp bách trong bối cảnh dịch Covid-19

Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn đến việc rất nhiều doanh nghiệp ở phía Nam phải tạm dừng sản xuất trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam theo kế hoạch sản xuất trước đó vẫn tiếp tục được nhập khẩu về cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh.

Thực trạng này đã dẫn đến lượng hàng tồn tại cảng Cát Lái vượt công suất xếp dỡ gây ách tắc cảng, không dỡ được lượng hàng nhập dẫn đến không xếp được hàng hóa lên tàu để xuất khẩu, có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất tại khu vực phía Nam.

Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải có kế hoạch điều tiết các hãng tàu/đại lý hãng tàu, hàng hóa vận chuyển đến cảng Cát Lái và các cảng biển khác tại Việt Nam phù hợp để giải quyết tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái.

Vì vậy, để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật khi thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc trên đây cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đó, thông tư quy định hàng hóa tại cảng biển đang xảy ra tình trạng ùn tắc sẽ được chuyển cửa khẩu về các cảng cạn trong nội địa (ICD); không phải điều chỉnh thông tin cảng đích ghi trên vận đơn; quy định về phối hợp và đơn giản thủ tục khi thay đổi cảng dỡ hàng.

Cũng theo Tổng cục Hải quan việc đề xuất ban hành thông tư nêu trên là giải pháp tình thế trong trường hợp đặc biệt, vì hiện nay, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa có quy định cho phép việc chuyển hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan có cảng đích trên vận đơn là cảng Cát Lái được chuyển cửa khẩu về các cảng biển, cảng cạn ICD khác để lưu giữ chờ làm thủ tục hải quan.

Nỗ lực tháo gỡ ùn tắc hàng tại cảng Cát Lái

Đề cập đến việc tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái hiện nay, trao đổi với phóng viên TBTCO, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đến nay Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng các bên liên quan đang tích cực thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, tại văn bản 3847/TCHQ-GSQL (ngày 2/8/2021).

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho phép vận chuyển hàng hoá đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các cảng ICD, với điều kiện đảm bảo hàng hoá không thuộc danh mục hàng nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Quyết định 23/2019/QĐ-TTg.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng cho phép hàng hoá được vận chuyển đến cảng biển, cảng ICD để lưu giữ theo quy định. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Đồng Nai được chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch. Hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiêp tại tỉnh Bình Phước được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (Tổ 1080) và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu (Tổ 1081) để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục và đảm bảo thông quan nhanh hành hóa./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam