Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào diễn biến dịch

14:20 | 09/08/2021 Print
Thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2021 là 1.716 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch, giảm 17,2% so cùng kỳ.

anh moi

Thi công dự án giao thông trọng điểm tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: CTV

Mặc dù ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã về đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công, nhất là các công trình sạt lở; hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng…, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên tiến độ giải ngân các dự án đều bị chậm lại.

Riêng trong tháng 7, số vốn giải ngân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 291 tỷ đồng, giảm 44,4% so cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh, thông thường các năm trước, tiến độ giải ngân được đẩy mạnh trong quý III, sau khi các chủ đầu tư và các ban quản lý hoàn thành các thủ tục cần thiết về hồ sơ, đền bù, giải phóng mặt bằng để bước vào đợt thi công cao điểm nhưng năm nay đều bị gián đoạn.

Nhiều dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ, đấu thầu khi đưa vào thi công lại vướng vào thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nên tạm thời bị dừng, hoãn lại.

Từ đầu năm, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư chủ yếu tập trung triển khai các công trình chuyển tiếp ít bị vướng các thủ tục ban đầu do được chuẩn bị từ cuối năm ngoái.

Đối với vốn phân cấp đầu tư dành cho cấp huyện, thành phố, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn thực hiện chủ yếu tập trung cho các công trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên khối lượng thực hiện cũng không nhiều.

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang phụ thuộc rất lớn vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Nếu dịch được khống chế dứt điểm từ nửa cuối tháng 8 sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho thi công hàng loạt các dự án.

Hiện UBND tỉnh đang nỗ lực các hoạt động chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư tập trung cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện sau thời điểm giãn cách xã hội; đồng thời ưu tiên cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân, không để ách tắc, chậm trễ.

Ngoài ra, chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xây dựng cơ bản của nhóm dự án thuộc các xã nông thôn mới từ nguồn vốn thủy lợi phí, vốn phân cấp... để tiến hành giải ngân./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam