Miễn, giảm thuế tạo ‘cú hích’ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển

13:28 | 09/08/2021 Print
Việc tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước cho các doanh nghiệp. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng hỗ trợ tính thanh khoản cho các khoản chi phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

>> Có nên giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công?

Giảm áp lực cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa công bố dự thảo đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do Covid-19.

Theo đó, Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp, có thể kể đến các giải pháp như tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV/2021 thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% thuế GTGT đối với các DN, tổ chức kinh doanh các dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch, giải trí…

doanh-nghiệp-fdi.jpg
Được miễn, giảm gia hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chính phủ cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp để các DN, tổ chức giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung nguồn lực để khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt là DN, tổ chức bị thua lỗ nhiều năm liên tiếp (từ năm 2018 đến 2020), phạt chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh) đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh).

Dự kiến các chính sách miễn, giảm thuế nói trên sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây chính là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước cho các DN. Sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ tính thanh khoản cho các khoản chi phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các chính sách hỗ trợ khác và sự nỗ lực của cộng đồng DN, những chính sách này có thể coi là những cú hích tạo đà phát triển cho DN. Những đề xuất chính sách hỗ trợ về thuế, phí thực hiện trong thời gian tới là rất toàn diện, bao quát nhiều nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng đặc thù khác nhau.

Với những đối tượng khác nhau thì chính sách hỗ trợ về thuế cũng khác nhau cho phù hợp. Với những đối tượng vẫn hoạt động, vẫn có lợi nhuận nhưng lợi nhuận giảm thì chính sách giảm thuế TNDN có ý nghĩa gia tăng nguồn lợi nhuận để lại cho DN tái đầu tư.

Với những DN vẫn tiêu thụ được hàng hóa, vẫn cung ứng được dịch vụ nhưng chi phí đầu vào tăng dẫn đến bị lỗ thì chính sách giảm thuế GTGT và miễn tiền chậm nộp giúp DN có thêm nguồn tài chính khắc phục khó khăn. Với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn nên giảm quy mô kinh doanh thì việc giảm thuế GTGT và thuế TNCN là sự hỗ trợ thực sự có ý nghĩa.

Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn

Cần lưu ý rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, bản thân Nhà nước cũng rất khó khăn do phải tăng thêm các khoản chi so với điều kiện bình thường. Đồng thời, kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng làm giảm thu ngân sách. Vì thế, áp lực cân đối thu chi NSNN và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là rất lớn.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, từ ngày 28/4, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến thu NSNN có dấu hiệu giảm xuống. Theo đó, tháng 5/2021, thu NSNN giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tháng 6/2021 thu ngân sách giảm 14 nghìn tỷ đồng so với tháng trước.

Báo cáo thu ngân sách nội địa của ngành Thuế ghi nhận, diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%. Nguồn thu sụt giảm sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt ảnh hưởng đến chi ngân sách.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay mới có 16 tỉnh, thành phố tự cân đối được và có điều tiết về cho ngân sách trung ương, còn lại hầu hết các tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Trong khi đó, chi thường xuyên còn ở mức cao 62 - 63% tổng chi. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cơ cấu lại tỷ lệ chi thường xuyên và chi đầu tư cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Việc Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách giảm, gia hạn thuế, phí vì vậy, là rất đáng trân trọng. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến khá phức tạp.

Bên cạnh đó, trong điều kiện này, sự chung tay đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng DN và toàn xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng. Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.

PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường

© Thời báo Tài chính Việt Nam