Có nên giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công?

07:05 | 08/08/2021 Print
Trong số các đề xuất giảm thuế không có đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động. Vậy, có nên giảm thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh này không?

doanh nghiệp

Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thời gian qua. Ảnh: TL.

Đã thực hiện các gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng

Covid-19 là một đại dịch gây ra những tác động với toàn thế giới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử xã hội loài người. Ở Việt Nam, đợt dịch thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh, thời gian ủ bệnh ngắn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời và thiết thực, cả về chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh các gói hỗ trợ đã thực hiện từ trước, Chính phủ đã công bố bổ sung gói hỗ trợ về cước viễn thông trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền điện khoảng 2.500 tỷ đồng, gói hỗ trợ về thuế trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng với đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho một số lĩnh vực, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương bởi Covid -19, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng cho hộ, cá nhân kinh doanh…

Trong số các đề xuất giảm thuế trên không có đề xuất giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động, trong khi đó, rất nhiều người lao động lại bị lao đao bởi thu nhập giảm do Covid -19. Vậy, có nên giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh này không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xác định việc giảm thuế TNCN có tác động hỗ trợ cho những người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid -19 hay không.

Thu nhập trên 11 triệu/tháng, không phải là thu nhập thấp

Theo pháp luật về thuế TNCN hiện hành, thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ.

Mức giảm trừ bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu một người lao động không phải nuôi dưỡng người phụ thuộc theo quy định của pháp luật và có thu nhập bình quân tháng không quá 11 triệu đồng thì không phải nộp thuế TNCN.

Nếu người lao động thuộc diện được giảm trừ cho một người phụ thuộc mà có thu nhập bình quân tháng không quá 15,4 triệu đồng thì không phải nộp thuế TNCN. Điều này có nghĩa là, nếu có chính sách giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương tiền công thì sẽ giảm thuế cho những người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng hoặc 15,4 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy theo số người phụ thuộc được giảm trừ…

So với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu miễn hoặc giảm thuế TNCN cho những đối tượng này tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn.

Điều này cho thấy, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh hiện nay.

Cần lưu ý rằng, việc tạm khấu trừ thuế TNCN tính trên cơ sở thu nhập thực chi trả cho người lao động chứ không phải tính trên thu nhập của năm trước. Do vậy, khi người lao động nhận thu nhập dưới ngưỡng giảm trừ gia cảnh thì không bị tạm khấu trừ thuế TNCN.

Những người lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, bị giảm sút thu nhập… thì việc giảm thuế không có ý nghĩa do thu nhập của họ chưa đến ngưỡng nộp thuế. Với những đối tượng này, các chính sách chi ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội mới thực sự có ý nghĩa.

Trên thực tế, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ thì được nhận hỗ trợ bằng tiền từ 1 triệu đồng đến 3.710.000 đồng/người tùy theo từng loại đối tượng. Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình còn được hỗ trợ giảm giá cước viễn thông và giảm tiền điện. Đây là những chính sách rất nhân văn và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của đất nước./.


PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường

© Thời báo Tài chính Việt Nam