Gỡ thẻ vàng IUU về thủy sản: Nỗ lực và tính chủ động của Việt Nam được ghi nhận

16:41 | 10/08/2021 Print
Các nỗ lực hiện tại của Việt Nam đã được Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận và hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu sang năm 2022, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng IUU về thủy sản.

ca

Ảnh minh họa; TL

Ngày 10/8, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Đại học Nha Trang và Đại học Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) công bố báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.

Sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD/năm nếu mất thị trường EU

Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, nhưng Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.

Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.

Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2 - 3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.

Có cơ sở để đặt mục tiêu gỡ được thẻ vàng vào năm 2022

Chia sẻ về nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 4 năm Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ vàng IUU, đến nay EC tiếp tục đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU. Các kết quả chính có thể kể đến như: áp dụng Luật Thủy sản 2017; việc lắp đặt thiết bị giám sát thiết bị hành trình cho tàu trên 24m đã cơ bản hoàn thành; việc đánh giá, đánh dấu tàu các đã đạt trên 90%; công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá được chỉ định cho tàu cá khai thác đã cơ bản đảm bảo; công tác chứng nhận đảm bảo yêu cầu của các chủ hàng xuất khẩu…

Về việc xử phạt các tàu vi phạm các hành vi IUU, ông Phùng Đức Tiến cho biết, các bộ ngành và địa phương cũng đã vào cuộc tích cực và đồng đều hơn. Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt 2.468 vụ, với số tiền 61 tỷ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất gần 1 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam có bị thẻ đỏ IUU hay không, TS. Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho rằng, điều này khó xảy ra. Bởi vì, nhìn vào quá trình gần 4 năm thực hiện, Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, muốn gỡ thẻ vàng IUU chứ không phải buông và Việt Nam vẫn đang rất tích cực nên không có lý do gì EC sẽ áp thẻ đỏ nếu những nỗ lực hiện tại vẫn tiếp tục.

Cho ý kiến về vấn đề này, ôn Phạm Anh Tuấn - Chuyên gia Tư vấn cao cấp về thuỷ sản của WB Việt Nam cho biết, với quy mô nghề cá nhỏ như Việt Nam, chuyện đáp ứng ngay các điều kiện tuân thủ của IUU không phải là một sớm một chiều mà là khó khăn, thách thức cần thời gian khắc phục. Điều quan trọng nhất, EC đánh giá là Việt Nam có thiện chí khắc phục và thể hiện quá trình thay đổi từng bước. Nên với quan điểm đó và với nỗ lực của Việt Nam, vấn đề chỉ là Việt Nam tháo thẻ vàng như thế nào thôi, còn việc áp dụng thẻ đỏ là chưa thể xảy ra.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, với nỗ lực từng năm hay theo từng kỳ châu Âu đánh giá và với hiện trạng hiện tại dựa theo khuyến cáo của họ thì hoàn toàn có thể có một niềm tin rằng, các nỗ lực của Việt Nam đã được châu Âu ghi nhận và hoàn toàn có cơ sở để mục tiêu sang năm 2022, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng, trở về thẻ xanh.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam