Đồng lòng vượt qua đại dịch

09:28 | 14/08/2021 Print
(TBTCVN) - Có ai đó từng nói rằng, “khi niềm tin được chia sẻ thì hạnh phúc sẽ nhân lên”. Dịch bệnh đã lộ ra bao cảnh đời khốn khó, thì có bấy nhiêu hành trình yêu thương được nhân lên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cả đất nước cùng chung tay vào cuộc, lớn thì ở tầm Chính phủ, nhỏ hơn thì ở địa phương và còn nữa biết bao những gom góp yêu thương giữa người đồng cảnh ngộ, với các lực lượng tuyến đầu chống dịch hay sự sẻ chia dù là chiếc bánh mỳ, chai nước, lít xăng trên đường tìm về chốn quê nhà của biết bao con người.

Cùng với rất nhiều nhiệm vụ cấp bách khác đang được triển khai đồng thời, gói hỗ trợ an sinh xã hội cũng đang “nóng” lên không ngừng. Các địa phương đang rốt ráo triển khai để tiền tới tay người dân ngay lúc này. Còn nhớ, ngày đầu tiên của tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng này đã được coi là quyết sách kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của con dân nước Việt.

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 12 chính sách được chia làm 3 nhóm đều đã được triển khai. 13 triệu lượt người đã được hỗ trợ với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Nhiều địa phương rất chủ động, sáng tạo triển khai hỗ trợ cho người lao động, nhất là các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ví như ở TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng Tổ Covid-19 cộng đồng để làm thủ tục và hỗ trợ tiền đến tận tay người lao động tự do. Hay tại tỉnh Ninh Thuận, để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp lập tổ công tác đặc biệt đi xuống từng nhà dân, hỗ trợ người dân và trực tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách từ tay người dân. Nhiều địa phương chủ động trong việc hỗ trợ đối với lao động tự do tại địa phương mình.

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức với các tỉnh, thành phố về tình hình triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ, nhất là với nhóm lao động tự do và đối tượng đặc thù. Đồng thời, phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động, sáng tạo theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian về xử lý quy trình. Địa phương cần tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến với người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo cặn kẽ như vậy. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cử tri đồng tình với sự đổi mới của Chính phủ trong việc xây dựng gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng “trên tinh thần hết sức thông thoáng”, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng được thực hiện chưa kịp thời, và chỉ thực hiện được 36% tổng mức dự kiến.

Ở gói cứu trợ thứ hai này, nữ đại biểu cho rằng, cần khẩn trương nhưng không được phô trương, phải đúng đối tượng, không hình thức và cần cân nhắc việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ. Theo bà, khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. Chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh “Chính phủ đưa tay để cùng người dân đi qua khó khăn”, do vậy “việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn”.

Không phải ngẫu nhiên mà giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lại được triển khai nhanh chóng như vậy, bởi vì việc triển khai nghị quyết này được đánh giá là cuộc “cách mạng” về thủ tục. Hiện nay, các cấp, các ngành đang ngày đêm thực hiện để tiền đến tay người dân nhanh nhất và mục tiêu trong tháng 8 sẽ hoàn thành việc “giải ngân” gói 26 nghìn tỷ đồng này.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam