Vùng biển bão tố

21:33 | 12/08/2021 Print
(TBTCVN) - Đúng ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ngày 29/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Gọi nơi nơi này là “vùng biển bão tố”, người đứng đầu Nhà nước động viên: “nếu bình yên thì không biết được đâu là thủy thủ giỏi, có thử thách, có phong ba mới rõ được bản lĩnh, rõ được ý chí”.

Nhận xét nếu các lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thiếu quyết liệt, thiếu kịp thời, thiếu linh hoạt thì tình hình ở TP. Hồ Chí Minh còn xấu hơn nhiều, Chủ tịch nước cũng cho rằng không chỉ cả hệ thống chính quyền ở TP. Hồ Chí Minh kiên cường mà tất cả người dân của thành phố cũng đều như vậy. Trò chuyện với người dân Hóc Môn qua “hàng rào” phong tỏa, Chủ tịch nước thấy dẫu có mệt mỏi vì phải sống trong những ngày bất thường vì đại dịch, thì trong ánh mắt người dân vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, tự tin về những ngày phía trước, sau vần vũ, trời lại sáng, là điều tất yếu, đúng như “khí chất” của anh hai Sài gòn, “cứ vui đi, lo buồn làm chi”.

Nhìn lại tháng 2 năm ngoái, khi dịch Covid-19 bắt đầu tấn công Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các kịch bản, mà kịch bản xấu nhất là số ca nhiễm lên đến con số 1.000 thì TP. Hồ Chí Minh sẽ “vỡ trận” và rồi thực tế trong vòng gần một tháng qua, số ca nhiễm tại thành phố này đã lên đến con số hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, thì với sự nỗ lực ở mức phi thường, tình hình ở TP. Hồ Chí Minh vẫn được kiểm soát. Số ca mắc Covid-19, tốc độ tăng F0 bình quân/ngày đã giảm. Hệ số lây nhiễm cũng giảm đáng kể ở mức 0,78 (trong khi thời điểm đầu tháng 5/2021 là 3 đến 3,5; đầu tháng 7/2021 là 1,7 đến 2, đầu tháng 8 khoảng 1,2%). Số F0 được điều trị thành công ngày càng nhiều. Trong 7 ngày gần đây (từ ngày 4 - 10/8), thành phố có trung bình 3.756 ca mắc/ngày, trong đó, 81% số ca ở khu cách ly, khu phong tỏa, 19% sàng lọc tại bệnh viện.

Và điều còn nhìn thấy rõ ràng nữa ở “vùng biển bão tố” này, theo Chủ tịch nước, là một tinh thần vì dân. Đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề có liên quan đến đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thấy: “Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được”.

Ông Nguyễn Văn Nên dũng cảm nhìn nhận: “Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Mong được Nhân dân lượng thứ".

Còn Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ: “Chúng tôi rất thấu hiểu với những nỗi gian truân mà người dân đã gặp phải trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Chia sẻ từ tấm lòng, đồng thời là thực hiện trách nhiệm đối với người dân”.

Từ tháng 7/2021, TP. Hồ Chí Minh đã chi hơn 514 tỷ đồng hỗ trợ người dân từ ngân sách thành phố. Cùng với đó là sự chung tay từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp ở thành phố, sự tương trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào với tổng kinh phí, hàng hóa hỗ trợ đến nay là hơn 2.220 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh cũng thành lập trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ ngày 6 đến ngày 10/8/2021, thành phố tiếp tục triển khai khẩn trương gói hỗ trợ thứ 2 với quy mô dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, hỗ trợ gần 334.200 lao động tự do, gần 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân… Thực tế, số lượng người được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều. Thành phố vẫn tiếp tục hỗ trợ cả trong trường hợp kinh phí vượt dự kiến. Nếu để người dân rơi vào hoàn cảnh cùng cực, thiếu ăn, thiếu mặc thì người đứng đầu của chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

Cũng ở “vùng biển bão tố”, chính quyền TP. Hồ Chí Minh xác định tất cả người sinh sống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều là người dân của thành phố, không phân biệt họ đến từ đâu. Tất cả người dân có mặt ở thành phố lúc này, bất cứ ai gặp khó khăn về lương thực thực phẩm, thành phố đảm bảo cung cấp cho người dân trong những ngày giãn cách…

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà cả 21 tỉnh, thành đang phải thực hiện giãn cách ở mức độ cao nhất. Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên báo cáo với người đứng đầu Nhà nước về việc TP. Hồ Chí Minh vừa tập trung cao nhất cho chống dịch, vừa sẵn sàng chuẩn bị chiến lược lâu dài bảo vệ sinh kế người dân, sức sống của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế - xã hội ngay khi tình hình được kiểm soát.

box:Từ ngày 6 đến ngày 10/8/2021, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai khẩn trương gói hỗ trợ thứ 2 với quy mô dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, hỗ trợ gần 334.200 lao động tự do, gần 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân…

Cuộc họp chiều muộn, Nghị quyết nửa đêm

Chiều tối ngày 6/8/2021 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp khẩn cấp để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội được bàn hành tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, tối 5/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 1067 xin ý kiến góp ý của UBTVQH về các giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19 và ngày 6/8/2021, Chính phủ tiếp tục có Tờ trình xin ý kiến UBTVQH cho phép Chính phủ quyết định các giải pháp cấp bách khác quy định của Luật.

Trên cơ sở xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, các thành viên của UBTVQH cơ bản đồng tình với 4 nội dung mới khác quy định của pháp luật hiện hành hoặc thuộc thẩm quyền của UBTVQH, theo quy định của Nghị quyết số 30 của Quốc hội, tạo điều kiện tối đa cho Chính phủ chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, lây lan nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh phía Nam. Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Xem xét phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện. Những vấn đề liên quan đến khung, dứt khoát phải thống nhất. Trong điều kiện tình trạng khẩn cấp, thì lãnh đạo chỉ đạo một cách tập quyền là hết sự cần thiết. Đặc biệt trong khâu tổ chức thực hiện, hoặc những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tránh chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Tại phiên họp, 17/17 ủy viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết thông qua việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, theo đúng quy định của Nghị quyết số 30/2021 để đảm bảo tính cấp bách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ngay trong đêm 6/8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết này.

Thể hiện tinh thần đồng hành cao nhất với Chính phủ, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc cuối tháng 7, Quốc hội đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ. Đó là bổ sung nội dung phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Kỳ họp và trao thêm một số quyền của Quốc hội cho UBTVQH, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Quyết định trao “thượng phương bảo kiếm” cũng được Chủ tịch Quốc hội ban hành rất nhanh, chỉ trong vẻn vẹn 24 giờ.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam