Chính phủ đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ cùng doanh nghiệp

18:55 | 10/08/2021 Print
(TBTCVN) - Hội nghị vào cuối tuần qua do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các doanh nhân và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có ý nghĩa rất lớn.

Nguồn: Tổng cục Thống kê    								     Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân

Những san sẻ, hỗ trợ của Chính phủ là “liều thuốc trợ lực” đúng lúc cho doanh nghiệp.

Duy trì hoạt động mang ý nghĩa sống còn

Những ngày này, cả nước căng mình chống dịch. Duy trì thúc đẩy phát triển kinh tế trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt như thế này, lãnh đạo Chính phủ bộn bề bao nỗi lo toan. Ngày chủ nhật cuối tuần, một hội nghị trực tuyến có quy mô lớn đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, sự có mặt của 2 Phó Thủ tướng, các vị “Tư lệnh” ngành, đại diện nhiều ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN), lãnh đạo địa phương…

Tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 DN đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với DN, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

Tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với DN, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

Tuy nhiên, trải qua những tác động của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, dường như DN đã “ngấm đòn”. Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “đợt dịch lần thứ 4 này đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN”. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Cùng đồng lòng với Chính phủ và nhân dân cả nước vượt khó, nhiều DN đã chia sẻ với Chính phủ trong bối cảnh hết sức khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ thiết thực cho DN vượt khó, duy trì sản xuất.

Ở tầm bao quát hơn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho DN phát triển. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh”, giúp DN tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, đối với DN, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mang ý nghĩa sống còn, chỉ có như vậy mới “hồi sinh” DN. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

Các “Tư lệnh” ngành thẳng thắn, cầu thị

Nhiều năm nay, Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh cùng DN. Nhưng hiếm có hội nghị nào được tổ chức mang nhiều tâm tư, lo lắng như hội nghị này. Việc không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch là bài toán khó. Các bộ, ngành, địa phương phải ngồi lại trực tiếp với nhau, không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông. Bộ Công thương sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo đề xuất của nhiều DN.

Thẳng thắn không ngại nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ngay tại hội nghị đã thay mặt ngành Giao thông nhận trách nhiệm với các DN về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua. Ông cho biết, đã phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa.

Xác định “đây là cuộc chiến lâu dài”, trong thời gian tới, các chính sách phải mang tính dài hơi, cần sức bền theo đúng nghĩa “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Như vậy, cùng với những cam kết, nỗ lực của Chính phủ, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng DN cùng vượt khó vươn lên theo đúng nghĩa “DN có giàu, thì nước mới mạnh”.

Phát triển doanh nghiệp để “làm nhiều việc ích nước lợi dân”


Sinh thời, Bác Hồ từng nói, phát triển DN để “làm nhiều việc ích nước lợi dân”. Bác còn nói, phát triển DN rất cần sự “tận tâm” của các cơ quan công quyền. Nhận định của Bác, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những “ứng xử” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy DN luôn được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển.

Làm ra của cải, duy trì cho nhiều người có công ăn việc làm, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng của đất nước, DN còn “chung tay, góp sức” hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Không quên ghi nhận điều này, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh, các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Minh chứng là ngay sau khi Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, DN, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Những hình ảnh “DN tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vắc-xin, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân” đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động nhắc đến. Ông cho biết, Chính phủ và cá nhân ông rất cảm động, cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực, hiệu quả.

Về phía các DN, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản. Chính phủ và các chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng DN.

Nhắc đến niềm tin trong gian khó, người đứng đầu Chính phủ khơi gợi lên một tinh thần Việt Nam không hề khuất phục trước khó khăn. Ông nói, kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội chúng ta được củng cố. Nguồn lực, sức mạnh từ niềm tin là vô cùng to lớn và là một trong những yếu tố quyết định. Với sự chung tay, đồng hành, sự tham gia tích cực của đồng bào, chiến sĩ, của cộng đồng DN, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đất nước ta không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn mang tinh thần, cảm hứng từ chiến thắng đó, từ tinh thần yêu nước đó, tự hào dân tộc, phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam