Trái phiếu doanh nghiệp: Còn tình trạng doanh nghiệp phát hành ‘vàng thau lẫn lộn’

19:33 | 16/08/2021 Print
Cơ hội của thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất lớn nhưng rủi ro cũng nhiều. Tổ chức phát hành còn “vàng thau lẫn lộn”. Ngoại trừ ngân hàng phát hành riêng lẻ, một số doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng trong phương pháp luận của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản đó không có giá trị.

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRatings tại buổi tọa đàm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy tổ chức ngày 16/8.

Cơ hội lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang mở ra cơ hội rất lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều. Sức đại chúng của thị trường này bắt đầu lớn. Kênh TPDN giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn cho phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Nếu nhìn nhận 3 - 5 năm nữa rủi ro gì cho hệ thống tài chính Việt Nam, thì chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi và hoàn thiện thị trường TPDN để tránh việc xảy ra đổ vỡ không mong muốn.

Nguyễn Quang Thuân

Ông Nguyễn Quang Thuân

Tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu khoảng 12% số dư nợ hệ thống ngân hàng, nếu tính phần dư nợ trung và dài hạn thì chiếm khoảng 30%. “Điều này chứng tỏ trong nhiều năm qua nếu không có kênh dẫn vốn TPDN thì nhiều doanh nghiệp đã phá sản, hệ thống ngân hàng cũng nhiều gánh nặng. Vốn tự có của ngân hàng bây giờ không thể đáp ứng được nếu cộng phần TPDN vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng” – ông Thuân nói.

Nói về vai trò của xếp hạng tín nhiệm với thị trường TPDN, Chủ tịch FiinRatings cho rằng, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin cho nhà đầu tư. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra chuẩn hóa về mặt thông tin để các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Ông Nguyễn Quang Thuân hy vọng, việc đẩy mạnh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp cho thị trường, cho các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư yếu thế, nhỏ lẻ, mà còn giúp cho cả nhà phát hành nhìn nhận mình tốt hơn, xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý để định hình các chính sách, quy chuẩn đầu tư vào TPDN cho hợp lý.

Tuy nhiên, đánh giá các chủ thể của thị trường này, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức phát hành hiện đang có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”. “Chúng tôi có rà soát và thấy rằng, một số doanh nghiệp có thể phát hành với chi phí vốn lãi suất thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp dự án, do các dự án có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư, thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp ngân hàng phát hành riêng lẻ” – ông Thuân nêu thực trạng.

Chỉ nhìn vào lãi suất khi đầu tư thì rất nguy hiểm

Ở góc độ quản lý và minh bạch thông tin, Chủ tịch FiinRatings cho biết, hiện tại có 19 triệu thể nhân người vay qua hệ thống ngân hàng trên dư nợ 375 tỷ USD thì có thể nắm được, còn số lượng nhà đầu tư trái phiếu và doanh nghiệp phát hành chưa thể nắm hết. Nguyên nhân là do doanh nghiệp phát hành không công bố thông tin đầy đủ. “Lưu ý đối với nhà đầu tư, việc thiếu minh bạch, không có đầy đủ thông tin và chuẩn hóa của nhà phát hành mà chỉ nhìn vào lãi suất khi đầu tư thì sẽ rất nguy hiểm” – ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu thị trường TPDN thứ cấp. Thị trường TPDN sơ cấp quy mô lớn dần, nhưng chỉ phát triển dài hạn và bền vững khi hình thành thị trường thứ cấp. Hiện tại thị trường thứ cấp giao dịch chủ yếu là OTC (thị trường tự do) thông qua nền tảng của các công ty chứng khoán hoặc giao dịch trao tay. Theo thông lệ quốc tế, thị trường trái phiếu thanh khoản sẽ không thể lớn như thị trường chứng khoán bởi vì nhà đầu tư mua trái phiếu là để giữ cho dài hạn thay cho tiết kiệm và tiền gửi.

“Nếu nhìn nhận 3 - 5 năm nữa rủi ro gì cho hệ thống tài chính Việt Nam, thì chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi và hoàn thiện thị trường TPDN để tránh việc đổ vỡ. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đứt dòng tiền sẽ nảy sinh 2 vấn đề. Một là, trái phiếu là điều kiện để doanh nghiệp tái cấu trúc dài hạn hơn, bởi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt, dòng tiền vẫn có, chỉ là bị lùi lại vài tháng do Covid-19. Hai là, một số doanh nghiệp hoặc ngành nghề sẽ bị đứt thanh khoản, việc này hệ lụy đang diễn ra” – ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam