Thành lập tổ điều hành thị trường để kết nối tiêu thụ nông sản

18:57 | 17/08/2021 Print
Các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phía Nam nên thành lập tổ điều hành thị trường nông sản ở các địa phương để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.

Bộ NN&PTNT

Tổ công tác 970 đã gửi thông tin các đầu mối cung cấp nông sản đến hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh thông zalo, email. Ảnh: Khánh Linh

Chiều 17/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Kết nối tiêu thụ từ 200 - 400 tấn nông sản/ngày

Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, đến nay đã có tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua tổ công tác. Trong đó, rau củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối.

Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).

Trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).

Ngoài ra, tổ công tác đã ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP. Hồ Chí Minh, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị…

Mỗi ngày, tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản, các loại rau gia vị, hàng rau củ quả. Đáng chú ý, hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.

Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua tổ công tác sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại; nhiều tiểu thương đã liên hệ các đầu mối đặt hàng.

Tuy nhiên, theo tổ công tác, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình kết nối, tiêu thụ như thiếu nhân lực thu hoạch; ách tắc vận chuyển trong sản xuất, chế biến...

Các địa phương nên thành lập tổ điều hành thị trường nông sản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho biết, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, đầu tháng 9/2021 tới, Tổ công tác 970 sẽ tiếp tục hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tiếp tục thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ. Việc này sẽ tiến hành kéo dài suốt năm.

“Các Sở NN&PTNT nên thành lập tổ điều hành thị trường nông sản ở các địa phương để phối hợp với Bộ NN&PTNT, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Đánh giá cao sáng kiến của Tổ công tác 970, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, qua việc kết nối, tiêu thụ nông sản thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng phải có những đổi mới trong hoạt động, không chỉ tập trung sản xuất mà còn tăng tính kết nối.

Từ việc kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Tổ công tác 970 nghiên cứu hình thành cổng thông tin để cập nhật tình hình cung ứng, giá nông sản với sự tham gia của chính quyền địa phương. Từ đó, kết nối tiêu thụ không cần đến vùng sản xuất; đồng thời doanh nghiệp tiêu thụ và chính quyền địa phương thấy được sự khó khăn ở đâu cũng như nắm được giá cả thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu, các Sở NN&PTNT linh hoạt hơn trong việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển; tiếp tục nghiên cứu bố trí lực lượng sản xuất theo tính chất các vùng: vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ.

Nói về con đường lưu thông nông sản của ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các địa phương nên tập hợp đội ngũ thương lái địa phương, về lâu dài đưa vào quản lý như một đối tác đồng hành trong thu mua nông sản cho nông dân chứ không phải có chuyện gì cũng nói “trăm dâu mà đổ đầu tằm” thương lái ép giá này nọ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, "Chúng ta phải quan tâm chú ý tới cả đội ngũ thương lái chứ đừng chỉ chú ý tới mỗi doanh nghiệp, vì không có thương lái vận chuyển thì nông sản cũng khó về nhà máy".

Tính đến ngày 16/8/2021, thực hiện chương trình huy động nguồn lương thực - thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh, Tổ công tác 970 đã phối hợp với các đơn vị tổ chức trao tặng được 15.200 suất quà với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng. Đồng thời, từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, Tổ công tác 970 đã tặng 100.000 khẩu trang y tế cho cán bộ công nhân viên ngành NN&PTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam