Bài 4: Giám sát trực tuyến: “Công cụ” đắc lực nâng cao hiệu quả chống buôn lậu

11:15 | 18/08/2021 Print
(TBTCVN) - Với sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tăng trưởng 20% - 30%/năm, ngành Hải quan đã tích cực đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai thành công Trung tâm Giám sát trực tuyến, đáp ứng yêu cầu kiểm soát.

9

Nguồn: Tổng cục Hải quan; Đồ họa: Hồng Vân

>> Bài 3: Dấu ấn từ những chuyên án “khủng”

Trung tâm giám sát được xem là công cụ đắc lực cho phép kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu trên toàn quốc.

Bước đột phá trong giám sát hàng hóa thông quan

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Hùng Anh cho biết, từ năm 2014 đến nay, ngành Hải quan triển khai mạnh mẽ hệ thống thông quan điện tử làm thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát hải quan cho phù hợp với tính chất yêu cầu quản lý trong tình hình mới (thời gian thông quan 1 lô hàng chỉ từ 1 - 3 giây). Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Hải quan đã triển khai chiến lược đầu tư, hiện đại hóa hoạt động chống buôn lậu trên nền tảng điện tử hóa, giám sát hàng hóa trực tuyến, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Kể từ đầu năm 2016, Trung tâm Giám sát trực tuyến (GSTT) được Tổng cục Hải quan đầu tư đi vào vận hành, kết nối, tích hợp với hệ thống camera giám sát, hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa và container, hệ thống cân ô tô điện tử… tại các cửa khẩu trọng điểm trên toàn quốc; cung cấp thông tin, dữ liệu hình ảnh truyền trực tiếp về Tổng cục Hải quan đã tạo nên kênh giám sát hữu hiệu giữa 3 cấp (tổng cục, cục, chi cục). Việc giám sát trực tuyến phát huy tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe rất lớn đối với các đối tượng đang có âm mưu, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Hùng Anh cho hay, hoạt động GSTT trở thành “quả đấm thép” giúp cơ quan hải quan ngăn chặn được các vụ việc vi phạm ở tất cả các cửa khẩu trọng điểm tại các cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn, lưu lượng hàng hóa lớn qua khu vực cảng biển, sân bay quốc tế lớn, có hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, quá cảnh (tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại).

Ngoài ra, việc triển khai Trung tâm GSTT còn mang lại lợi ích cho cả cơ quan hải quan tỉnh, thành phố trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, triệt phá nhiều vụ buôn lậu lớn.

Tập trung chống buôn lậu có trọng tâm trọng điểm

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các khâu nghiệp vụ, trong đó đề cao vai trò hiệu quả của công tác GSTT.

Trung tâm GSTT tập trung vào kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm hoạt động tại các cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn, lưu lượng hàng hóa lớn qua khu vực cảng biển, sân bay quốc tế lớn, có hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, quá cảnh (tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại).

Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Quách Đăng Hòa cho biết, Phòng GSTT của đơn vị được kết nối với Trung tâm GSTT đặt tại Tổng cục Hải quan phục vụ tốt cho việc giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ công chức hải quan; đồng thời cho phép đơn vị giám sát được hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại tất cả các khu vực kho, bến bãi, cửa khẩu hàng không, thông qua hệ thống camera.

Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội Trần Hoài Nam cho hay, trước đây các công đoạn giám sát hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh thực hiện thủ công, phải bố trí nhiều nhân lực tham gia với nhiều công đoạn nghiệp vụ mà hiệu quả lại hạn chế. Với sự đầu tư của ngành Hải quan, phòng GSTT của đơn vị được kết nối với khoảng gần 200 camera đặt tại nhà ga, bến, bãi, kho hàng, khu vực làm thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại sân bay giúp cho đơn vị phát hiện dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý. Thông qua hệ thống GSTT, từ cấp tổng cục đến cấp cục, chi cục có thế chỉ đạo điều hành và giám sát hoạt động của công chức, qua đó hạn chế được các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7/2021, qua phương thức GSTT, đơn vị đã phát hiện xử lý hơn 20 vụ việc vi phạm về khai báo hàng hóa, khai thiếu, khai sai mã hàng hóa đối với hàng hóa tiêu dùng, để tiến hành phạt hành chính, truy thu thuế” - ông Trần Hoài Nam nói.

* Giám đốc xuất nhập khẩu Tập đoàn Texhong Ngô Quốc Hùng: Tạo lập môi trường minh bạch bình đẳng trong kinh doanh

Tập đoàn Texhong (hoạt động trong lĩnh vực dệt may) luôn chia sẻ, ủng hộ việc cơ quan hải quan tích cực thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Lợi ích có thể không đong đếm được cụ thể đối với từng doanh nghiệp (DN) nhưng các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại của cơ quan hải quan, góp phần tạo môi trường minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh. Các hành vi gian lận trong khai báo trị giá hải quan, thuế suất, buôn lậu không được kịp thời ngăn chặn sẽ tổn hại rất lớn đến DN làm ăn chính đáng, thậm trí phải phá sản. Vì vậy để mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho DN chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ những nỗ lực của cơ quan hải quan trong việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

* Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại Trần Thị Thu Hương: Nâng cao hiệu quả hợp tác với hải quan ngăn chặn gian lận C/O

Thời gian qua, Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có sự hợp tác hiệu quả với hải quan trong việc ngăn chặn gian lận C/O (chứng nhận xuất xứ) hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước EU mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, chúng tôi cũng có đề nghị với cơ quan hải quan tăng cường việc trao đổi thông tin qua các kênh hợp tác trực tiếp cũng như thông qua cơ chế trao đổi của Hội đồng Tư vấn cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O.

Khi Tổng cục Hải quan có những yêu cầu nghi ngờ lô hàng cần thẩm tra xác minh, chúng tôi sẽ truy xuất toàn bộ những hồ sơ, dữ liệu để chia sẻ cho phía hải quan. Và ngược lại căn cứ vào các dữ liệu thông tin về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và hàng hóa đối với các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu như đồ gỗ, sắt thép… từ phía cơ quan hải quan cung cấp sẽ là cơ sở, bằng chứng để chúng tôi xem xét, đánh giá trước khi cấp C/O cho bất kỳ một lô hàng nào đó của DN.

Tăng thu hơn 100 tỷ đồng từ giám sát trực tuyến

Từ khi Trung tâm GSTT đi vào vận hành đến nay, thông qua hệ thống trực ban, giám sát trực tuyến, đã tiếp nhận xử lý và theo dõi giám sát việc thực hiện gần 2.000 thông tin, vụ việc do các đơn vị nghiệp vụ cung cấp; trong đó tỷ lệ phát hiện vi phạm đạt tỷ lệ rất cao 27,6%, xử phạt và truy thu hơn 100 tỷ đồng; tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật hải quan của cả tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu cũng như công chức hải quan trong thực thi công vụ.
Chỉ tính riêng công tác giám sát trực tuyến bằng xe chuyên dụng và hệ thống camera giám sát trực tuyến, từ đầu năm đến tháng 7/2021, cơ quan hải quan đã xử lý 367 tin nghiệp vụ (73 tin phát hiện có vi phạm), với tổng số tiền xử phạt là hơn 463 triệu đồng và số tiền thuế truy thu là hơn 5,8 tỷ đồng.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam