Ngoại giao vắc-xin: Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ quý báu

22:11 | 17/08/2021 Print
Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.

bng

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Tranh thủ tối đa cơ hội tiếp cận vắc-xin

Trả lời phỏng vấn báo chí về ngoại giao vắc-xin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoại giao vắc-xin là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vắc-xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc-xin.

Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vắc-xin, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vắc-xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế- xã hội.

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch Covid-19, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh và tầm quan trọng của ngoại giao vắc-xin, ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương, Khoa học - Công nghệ.

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã họp và thống nhất phương châm hoạt động là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.

Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, với phương châm và tinh thần đó, Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời vận động dưới mọi hình thức trực tiếp và trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất.

Trong đó, Tổ công tác sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác và tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19 càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế. Đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc-xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.

Đồng thời, chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc-xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Tích cực vận động các đối tác viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, thông qua theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao đã sớm tham mưu cho Chính phủ về xu hướng các nước xác định vắc-xin là yếu tố quyết định để đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa và phục hồi phát triển kinh tế.

Ngành Ngoại giao cũng đi đầu tham mưu việc triển khai ngoại giao vắc-xin. Theo đó, chủ động kiến nghị đưa nội dung vận động vắc-xin vào các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là các cuộc tiếp xúc, điện đàm của lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Bộ Ngoại giao đã trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vắc-xin, tích cực vận động các đối tác viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế.

Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Phát huy tối đa mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực đẩy mạnh tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm của các nước về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, góp phần tham mưu cho Chính phủ có các biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ nhiều biện pháp về tạo thuận lợi đi lại của chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh bảo hộ công dân và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần tăng cường tình cảm, gắn bó kiều bào ta với Tổ quốc, quê hương, tranh thủ được nguồn lực lớn của kiều bào cho phòng chống dịch.

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, đến nay, ta đã thực hiện 543 chuyến bay, đưa về nước khoảng 136 nghìn công dân. Kiều bào ta ở nước ngoài đã hỗ trợ nhân dân trong nước hơn 50 tỷ đồng và nhiều vật phẩm y tế, trong đó đóng góp hơn 11 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam