Linh hoạt nhiều phương án hỗ trợ xuất khẩu nông sản

18:08 | 18/08/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là việc vận chuyển và lưu thông sản phẩm nông sản ra các thị trường nước ngoài.

13

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Đồ họa: Hồng Vân

Trong bối cảnh đó, các địa phương, doanh nghiệp phải linh hoạt áp dụng các giải pháp thông thoáng nhưng an toàn để ổn định thương mại.

Dịch bệnh làm “khó trăm bề” trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Có thể đơn cử như tỉnh Sơn La, năm 2021, sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt khoảng 113.000 tấn, trong đó có trên 2.200 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 22.000 tấn đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về chất lượng cho việc xuất khẩu (XK) sang các thị trường như Trung Quốc, châu Âu (EU), Anh… Thời gian thu hoạch nhãn chín sớm từ ngày 10/6 - 10/7, nhãn chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 15/7 đến đầu tháng 9. Tuy nhiên, khi nhãn chính vụ bước vào giai đoạn thu hoạch cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước. Cùng với đó nhiều thị trường tiêu thụ truyền thống trước đây đang phải áp dụng giãn cách xã hội phòng chống dịch đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nội địa cũng như chế biến nhãn phục vụ cho XK.

Kiến nghị doanh nghiệp được vay vượt hạn mức tín dụng để mua lúa gạo

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho DN được vay vượt hạn mức tín dụng đã cấp để thu mua lúa gạo vụ hè thu. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về cho vay thế chấp bằng lúa gạo thu mua của DN. Về mặt bằng lãi suất cho vay, đối với ngành lúa gạo xin được ngân hàng hỗ trợ giảm 1 - 2%, đây là điều các DN rất cần trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay.

Với tỉnh Đắk Lắk, hiện có hơn 12.000 ha sầu riêng, diện tích cho thu hoạch 5.300 ha, sản lượng khoảng 103.000 tấn/năm. Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, trong đó, nhiều giống sầu riêng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao. Giá sầu riêng bán tại vườn hiện đạt trên 40.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có hơn 9.000 ha bơ, diện tích cho thu hoạch 5.400 ha, sản lượng khoảng 82.000 tấn/năm. Hiện nay, sản lượng bơ dự kiến còn khoảng 40.000 tấn chưa thu hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trung tuần tháng 7, khi một số tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch hiệu quả hơn, việc lưu thông hàng hóa bước đầu gặp khó khăn nên giá sầu riêng có giảm nhưng không đáng kể.

Không chỉ các loại quả như nhãn, bơ, sầu riêng… gặp khó khăn trong XK mà hiện nay mặt hàng gạo XK cũng đang gặp "khó trăm bề", do đứt gãy lưu thông từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Bên cạnh đó, dòng vốn cũng bị ách tắc theo khiến các thương nhân không thể tiếp tục thu mua thóc gạo cho nông dân. Những lý do này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) XK gạo như “ngồi trên đống lửa”.

Chủ động lên phương án tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh

Để giảm áp lực lên khâu tiêu thụ, và giữ được giá bán cho sản phẩm nhãn, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đã xây dựng 2 phương án tiêu thụ, chế biến và XK nhãn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Phương án 1, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ tập trung tiêu thụ nhãn tại thị trường trong nước thông qua các chợ đầu mối, siêu thị, qua hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ sản phẩm nhãn trong cả nước với số lượng dự kiến đạt trên 33.800 tấn. Sản phẩm nhãn quả tươi đưa vào chế biến ước đạt 57.500 tấn, XK khoảng 8.000 tấn nhãn.

Phương án 2, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các tỉnh phải giãn cách toàn xã hội, Sơn La sẽ đẩy mạnh việc đưa nhãn tươi vào chế biến long nhãn với sản lượng ước đạt khoảng 80.000 tấn. Sản phẩm nhãn tiêu thụ trong nước dự kiến đạt trên 19.100 tấn.

Sơn La tập trung vào giới thiệu quảng bá sản phẩm nhãn trên các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tỉnh làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các DN để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đầu mối xuất nhập khẩu nông sản mới. Ngoài ra, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, trên nguyên tắc đảm bảo các quy định trong phòng chống dịch bệnh…

Tương tự tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa lập 2 phương án tiêu thụ bơ và sầu riêng trong niên vụ 2021, trong đó có giải pháp bóc tách cấp đông sầu riêng và bơ phục vụ XK trong tình hình dịch Covid-19 niên vụ 2021.

Theo đó, phương án 1, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song vẫn trong tầm kiểm soát như hiện nay, 80% sản lượng bơ và 20% sản lượng sầu riêng (của tỉnh được tiêu thụ trong nước. Sản lượng dành cho thị trường XK khoảng 8.000 tấn bơ và khoảng 72.000 tấn sầu riêng. Tỉnh này dự kiến bóc tách, cấp đông và bảo quản lạnh 10.000 tấn sầu riêng.

Phương án 2, trường hợp dịch Covid-19 diễn biến và ảnh hưởng hết sức phức tạp, 90% sản lượng bơ và 36% sản lượng sầu riêng được tiêu thụ trong nước. Sản lượng dành cho thị trường XK khoảng 4.000 tấn bơ và khoảng 51.000 tấn sầu riêng. Tỉnh này dự kiến bóc tách, cấp đông và bảo quản lạnh 15.000 tấn sầu riêng…

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường trong và ngoài nước, kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ bơ và sầu riêng. Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện cho người và phương tiện vận chuyển bơ, sầu riêng của mình đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ…

Đối với mặt hàng gạo, phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cùng các cơ quan chức năng có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy. “Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, lúa gạo sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ. Do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân XK gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng XK” – VFA lý giải.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ NN&PTNT đề xuất, trong tình hình khó khăn hiện nay, cần sự hỗ trợ về chính sách cho vay từ phía Ngân hàng Nhà nước để việc thu hoạch, tiêu thụ lúa tại ĐBSCL nhanh chóng, thuận lợi, XK gạo được thông suốt.

Đầu tư 1.500 tỷ đồng thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu chuyên canh

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) cho biết, đã xây dựng “Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông lâm sản giai đoạn 2021 - 2025”.

Với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, đề án đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt về chủ trương và đang tích hợp thêm những hợp phần về khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp và tín dụng.

Mục tiêu của đề án là xây dựng 5 vùng nguyên liệu chuyên canh trên tổng diện tích khoảng 160.000 ha, gồm: Miền núi phía Bắc (gồm Sơn La, Hòa Bình) có diện tích 14.000 ha, tập trung phát triển chanh leo, dứa, xoài. Duyên hải miền Trung (tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) có diện tích 22.900 ha, phát triển gỗ rừng trồng. Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk) diện tích 11.200 ha, phát triển cà phê. Tứ giác Long Xuyên (tỉnh Kiên Giang, An Giang) diện tích 50.000 ha, phát triển lúa gạo. Vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) diện tích 60.200 ha, phát triển cây ăn quả.

Được biết, khi đi vào thực tiễn, 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 hợp tác xã và 185.000 hộ nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam