Né F0, F1 và nhấn “F5” để xây dựng doanh nghiệp kiên cường trong thời đại dịch

23:58 | 19/08/2021 Print
Đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và chuyển đổi số; tối ưu chi phí nhưng đầu tư thêm vào nguồn lực con người, né F0, F1 và nhấn F5… là những bài học kinh nghiệm nâng cao sức chống chịu của những doanh nghiệp vững vàng trong đại dịch.

cn

Sản xuất của nhiều doanh nghiệp không bị gián đoạn nhờ đảm bảo 3 tiêu chí: sức khỏe, ổn định đời sống và đảm bảo thu nhập cho công nhân. Ảnh T.L

Ngày 19/8, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam phối hợp cùng Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức hội thảo trực tuyến “Xây dựng doanh nghiệp (DN) kiên cường: Vững vàng trong thử thách”.

Nhiều bài học thực tiễn, phù hợp với đặc thù DN Việt Nam đã được chia sẻ nhằm nâng cao sức chống chịu của các công ty, cũng như có thể sẵn sàng áp dụng và thiết lập ngay lộ trình “ứng phó, phục hồi đến hưng thịnh” dù trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Gạt KPI sang một bên

Chia sẻ tại sự kiện, bà Lê Thu Thủy – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, SeABank đã phải chọn giải pháp để KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) sang một bên để chọn lựa những giải pháp kiên cường, đầy tính nhân văn cho nhân viên và khách hàng.

Theo đó, chủ động là điều đầu tiên SEABank đã áp dụng. SEABank đã thành lập ủy ban Covid-19, tạo ra năng lực ứng phó chủ động; thành lập quỹ Covid từ ngân hàng, đối tác và cán bộ nhân viên; xây dựng quy tắc làm việc mới, giúp làm việc hiệu quả. Ban lãnh đạo cũng ban hành các cơ chế linh hoạt giúp thích nghi trong giai đoạn mới, mở rộng các kênh bán hàng online, giúp tăng doanh số từ kênh này hơn 30%.

Ông Lê Trí Thông – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã chia sẻ về thành công trong mở rộng thị phần và vươn tới tăng trưởng cao dù nằm trong tâm sóng gió là “né F0, F1 và nhấn F5”.

Ba yếu tố làm nên thành công của PNJ là: bảo vệ, chăm sóc cho đội ngũ nhân viên, duy trì tinh thần chiến đấu; luôn đi trước một bước với các kịch bản khác nhau; kiên tâm tiến hành những cải tổ - “nhấn phím F5” thông qua các hình thức như tái cấu trúc, sắp xếp lại mô hình hoạt động, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tăng cường đào tạo nội bộ và tăng cường hợp tác.

Theo ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư Khu Công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), dù đại dịch diễn ra, KCN Nam Cầu Kiền với hơn 60 DN đang hoạt động vẫn duy trì sản xuất an toàn, không bị gián đoạn nhờ đảm bảo 3 tiêu chí cho công nhân: sức khỏe, ổn định đời sống và đảm bảo thu nhập.

Ông Điệp cho biết, đại dịch ảnh hưởng nhiều nhất là đến con người, do đó ban lãnh đạo KCN đã đồng hành cùng các DN, lấy con người làm trọng tâm, làm tốt khâu hậu cần, thống nhất và hướng tất cả các giá trị văn hóa của hơn 60 DN để cùng kiến tạo văn hóa chung là an toàn và an tâm. Đây là cách giúp toàn bộ DN hoạt động trong KCN yên tâm sản xuất và đảm bảo sức khỏe.

Tối ưu hóa các chi phí

Theo ông Phan Vũ Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, hơn bao giờ hết sự kiên tâm của lãnh đạo và kiên cường của tổ chức là mấu chốt để từng DN và cá nhân vượt qua biến cố. Các DN có văn hóa kiên tâm được thẩm thấu xuyên suốt trong DN có khả năng chống chịu, vượt qua biến cố cao gấp 3 lần so với các DN không có được văn hóa này. Những DN này phải có sự chuẩn bị; biết thích nghi; biết hợp tác; có tín nhiệm và có trách nhiệm.

Ông cũng đưa ra khuyến nghị về các hành động cốt lõi DN có thể triển khai ngay để củng cố năng lực của mình như: sẵn sàng các kịch bản ứng phó; thường xuyên kiểm tra mức độ chống chịu của đội ngũ; tuyển dụng lực lượng nhân sự có tư duy học hỏi và tính thích nghi cao để dễ dàng phát huy sự linh hoạt; thúc đẩy hợp tác trong và ngoài DN cũng như duy trì văn hóa DN đa dạng và bao trùm.

Cho ý kiến về việc cần phải làm gì để cắt giảm chi phí, giúp DN vượt qua đại dịch, đại diện PNJ cho rằng, DN cần lựa chọn việc tối ưu hóa chi phí, trong đó 3 chi phí được xét đến đầu tiên là chi phí mặt bằng, chi phí tồn kho và chi phí của ban lãnh đạo.

Ở một góc nhìn khác, đại diện SEABank đồng tình và chia sẻ thêm việc tối ưu hóa chi phí cần lưu tâm đến việc tối ưu các nguồn chi phí lớn nhất (ưu tiên) và không bỏ sót cả những chi phí nhỏ nhất. Đồng thời, DN cũng nên cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và chuyển đổi số.

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị giúp DN trở nên kiên cường hơn trong và sau đại dịch, bà Hà Thu Thanh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, kiêm Chủ tịch VIOD nhấn mạnh tới yếu tố tín nhiệm và tối giản. Theo đó, ban lãnh đạo và DN cần tập trung quay lại nền tảng cốt lõi của DN chính là đội ngũ cán bộ, nhân viên. Những hành động cụ thể, dù nhỏ hay lớn từ ban lãnh đạo DN cũng góp phần củng cố sự yêu quý và tín nhiệm của nhân viên đối với DN trong giai đoạn đại dịch.

Về yếu tố tối giản, theo bà Thanh, cần ưu tiên tối giản các khoản chi, trong đó chi cho nguồn lực con người phải là thứ cắt giảm sau cùng. “Một DN kiên cường, một nhà lãnh đạo kiên tâm, trong bối cảnh phải tối ưu chi phí, sẽ không những không cắt giảm, mà thậm chí còn đầu tư thêm vào nguồn lực con người. Đây sẽ là nguồn sức mạnh nội lực từ bên trong, giúp DN vững vàng vượt qua biến cố”- bà Thanh nhấn mạnh.

Theo báo cáo mức độ kiên cường của các tổ chức năm 2021 do Deloitte toàn cầu thực hiện, có 29% DN được hỏi hoàn toàn tự tin mình đã vượt qua khủng hoảng 1 cách hiệu quả, 64% tự tin phần nào, 7% cho biết không tự tin. Một điểm rất thú vị là, năm ngoái với cùng câu hỏi này chỉ có 24% trả lời rằng họ hoàn toàn tự tin. Điều này cho thấy, trong những xáo trộn, bất ổn, sự tự tin của các DN đã tăng lên đáng kể.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam