Động lực then chốt để thực thi mục tiêu kép

09:52 | 20/08/2021 Print
(TBTCVN) -Năm 2021, nền kinh tế đối diện với những nhiệm vụ cam go khi dịch bệnh ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, sự chủ động của chính sách, trong đó có sự phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tài chính và tiền tệ đang và sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN người dân vượt qua đại dịch.

Điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ giúp nền kinh tế

Điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ giúp nền kinh tế tăng sức chịu đựng và tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: TL

Định hướng đúng đắn

Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021. Theo đó, Nghị quyết 01 đã dự trù những khó khăn thách thức, đồng thời chỉ ra những đường hướng đúng đắn, cụ thể để làm nền tảng cho các cơ quan, ban, ngành xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ này.

Nghị quyết 01 nêu rõ, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ... vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Nguồn: JIKA Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: JIKA Đồ họa: Hồng Vân

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Nghị quyết 01 nêu ra là tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép. Trong đó, một trong những giải pháp là chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời. Đó là các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân...

Sự hài hòa trong phối hợp chính sách

Trước đó trong năm 2020, Chính phủ cũng đã Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 42 vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng thực thi trong những tháng đầu năm 2021.

Từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp hơn nhiều so với các lần trước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN và các hộ, cá nhân kinh doanh. Trong tình hình mới, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 63 NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP để đưa ra các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), xu hướng chính sách tài khóa của các quốc gia trên thế giới hiện nay là thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng chi ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ người dân, DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến thất nghiệp, giảm thu nhập và gặp các khó khăn kinh tế khác.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp (thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất…), các chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho những người lao động chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Năm 2021, dự kiến có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng. Ông Quỳnh cho biết, điểm khác biệt của các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới chính là chính sách hỗ trợ đã chú trọng tới sự bình đẳng, công bằng và người thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện cơ quan này cho biết, cộng hưởng với các giải pháp tài khóa; các chính sách tiền tệ, tín dụng cũng được NHNN triển khai nhằm tạo nên bộ giải pháp vĩ mô đồng bộ, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, ổn định vững chắc thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo nền tảng cơ bản để tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Ngoài ra, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý thích hợp để tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng đơn giản các thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã tổ chức vận động để các ngân hàng thương mại thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam