Bài cuối: Hải quan hợp tác đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới

18:57 | 19/08/2021 Print
(TBTCVN) -Cơ quan hải quan đang đứng trước thách thức lớn là vừa phải đảm bảo tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài. Vậy khó khăn đặt ra đối với cơ quan hải quan là gì, đâu là giải pháp

9

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

>> Bài 4: Giám sát trực tuyến: “Công cụ” đắc lực nâng cao hiệu quả chống buôn lậu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN, xung quanh vấn đề này.

PV: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, tội phạm lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực tế này đang đặt ra những thách thức gì đối với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hải quan, thưa ông?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Cơ quan hải quan đã và đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước. Song, cũng chính những chính sách, điều kiện thuận lợi ấy đã và sẽ tiếp tục bị các đối tượng vi phạm, thường là có tổ chức, đường dây, ổ nhóm xuyên quốc gia, lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt nghiêm trọng là ma túy.

tuong
Ông Lưu Mạnh Tưởng

Đồng thời với thách thức nêu trên, dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới đang bùng phát trở lại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Nhiều chuyến bay quốc tế chuyển làm thủ tục tại các sân bay nhỏ lẻ theo yêu cầu cách ly dẫn đến quy trình kiểm tra, giám sát đối với hành lý phải thay đổi phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn, sân bay; tình trạng ùn tắc container tại cảng biển dẫn đến phải chuyển tải sang các kho bãi cảng khác.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 7.378 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, thu nộp ngân sách 126,8 tỷ đồng. Cơ quan hải quan tiến hành khởi tố 15 vụ án, chuyển cơ quan chức năng kiến nghị khởi tố 83 vụ án.

PV: Việc phối hợp của cơ quan hải quan với các lực lượng hải quan các nước trên thế giới là vô cùng quan trọng. Xin ông cho biết giải pháp tăng cường tính hiệu quả trong hợp tác chống buôn lậu giữa Hải quan Việt Nam với lực lượng hải quan các nước trên thế giới?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Trong thời gian qua Hải quan Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực phòng chống buôn lậu thông qua các kênh trao đổi thông tin tình báo, thông tin nghiệp vụ đã góp phần phát hiện, điều tra và bóc gỡ nhiều đường dây ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phát huy hiệu quả của hệ thống

giám sát trực tuyến


Tổng cục Hải quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trực ban của Trung tâm Giám sát trực tuyến tại cả 3 cấp: tổng cục, cục hải quan, chi cục hải quan.
Sử dụng triệt để các biện pháp theo dõi giám sát thông qua trang thiết bị hiện đại như hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị GPS, hệ thống máy soi container, các hệ thống quản lý phương tiện tàu thuyền, ô tô,… để theo dõi, giám sát, kiểm tra các trường hợp trọng điểm; hạn chế tiếp xúc trực tiếp góp phần phòng tránh dịch Covid-19.

Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với Hải quan Trung Quốc đề xuất sáng kiến Chiến dịch Con Rồng Mê Kông mang tầm khu vực và quốc tế về phòng chống ma túy, động thực vật hoang dã, kết nối sự tham gia của hàng chục cơ quan hải quan các nước. Đến nay, kết thúc giai đoạn 1 và 2 Chiến dịch Con Rồng Mê Kông, các thành viên tham gia đã phát hiện, bắt giữ 448 vụ án, thu giữ hơn 4.230 kg ma túy và gần 2 triệu viên ma túy tổng hợp các loại.

Phát huy kết quả đạt được, ngành Hải quan tiếp tục mở rộng đa dạng hóa các kênh hợp tác với cơ quan hải quan và các tổ chức thực thi pháp luật về phòng chống buôn lậu và các vi phạm hải quan, trong đó chú trọng hợp tác có chiều sâu theo hướng phòng chống từ xa và sớm. Trong đó ưu tiên việc đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thuế, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới, gian lận xuất xứ hàng hóa; tiếp tục chủ trì, hợp tác với hải quan các nước triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn 3.

PV: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, ông có thể cho biết giải pháp kiểm soát hải quan, trên cơ sở phát huy hiệu quả Trung tâm Giám sát trực tuyến hải quan và trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu hiện đại đã được đầu tư trong thời gian qua?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Tổng cục Hải quan tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chỉ huy giám sát trực tuyến và trang thiết bị phục vụ chống buôn lậu. Công tác trực ban, giám sát trực tuyến không chỉ tập trung phát hiện xử lý vi phạm của DN mà còn chú trọng trong việc phân tích, xác định trách nhiệm, chỉ ra những thiếu sót, biện pháp cần chấn chỉnh công chức hải quan. Đây là biện pháp có thể giúp phòng ngừa tốt nhất, vừa giúp phát hiện ra những sơ hở chính sách, quy trình có thể bị lợi dụng, vừa nâng cao trình độ công chức hải quan để có thể chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quyết liệt chống vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu, trong những tháng cuối năm 2021, tập trung vào việc thực hiện các chuyên án đấu tranh, triệt phá các vụ việc vận chuyển ma túy xuyên quốc gia trên cơ sở phát huy kết quả đạt được.

Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 7/2021, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện, bắt giữ: 125 vụ/75 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; thu giữ: 21,3 kg và 19 bánh heroin, 748,2 kg cần sa, 277,2 kg và 121.764 viên ma túy tổng hợp, 1.020 viên chất hướng thần các loại và 296 kg ketamine.

Để đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam, lực lượng chống buôn lâu ngành Hải quan quán triệt các chỉ đạo về phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. Triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong Kế hoạch 6197/KH-TCHQ (ngày 22/9/2020) của Tổng cục Hải quan về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất của ngành Hải quan.

Trong bối cảnh tình hình vận chuyển trái phép ma túy gia tăng trên tuyến hàng không, bưu điện gia tăng như hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác điều tra cơ bản, tập trung kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đặc biệt trên tuyến hàng không, bưu điện để phát hiện các dấu hiệu nghi vấn ma túy trong khai báo các loại hình, hàng hóa xuất nhập khẩu… Đồng thời, các đơn vị chuyên trách tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế trong trao đổi thông tin về đối tượng, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy...

Hải Linh (thực hiện)

Hải Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam