Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong 2 đợt giãn cách

18:08 | 20/08/2021 Print
Qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định cũng như hỗ trợ kịp thời người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch. Tới đây, Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm soát, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân Thủ đô.

Hà Nội

Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân. Ảnh: Khánh Linh

Chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống

Thông tin về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Thành phố đã ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống. Thành phố cũng quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của thành phố. Thành phố cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển; đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa và 14 nghìn shipper cũng được cấp mã.

"Hiện nay trên địa bàn thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng. Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp..." - bà Trần Thị Phương Lan nói.

Đồng thời, Sở Công thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở này cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay...

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc. Trong đó, 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh.

Thông tin thêm về việc hỗ trợ người lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn Thủ đô là 460 tỷ đồng. Trong đó, Thành uỷ, UBND chỉ đạo ngành rà soát 10 nhóm đối tượng không ở trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được thành phố phê duyệt về chính sách đặc thù, kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân.

Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khánh Linh

Thành phố sẽ tiếp tục ban hành công điện về phòng chống dịch

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Trên địa bàn vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.

“Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội” - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

"Mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc-xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh" - ông Nguyễn Văn Phong nói.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông; đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, bám sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức có khó khăn; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam.../.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam