Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An

18:41 | 19/08/2021 Print
(TBTCVN) - Hiện tại, các dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam, đang được các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải huy động nhiều nhân lực, máy móc triển khai thi công.

gt

Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 hiện tổng sản lượng thi công đạt 1.555,56 tỷ đồng, tương đương 22,7% giá trị xây lắp.

Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn về mặt bằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
giá một số vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao cần sớm có những giải pháp tháo gỡ để về đích đúng tiến độ.

Huy động 67 mũi thi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45

Theo ông Lương Văn Long - Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành. Hiện, trên toàn dự án đang triển khai 67 mũi thi công tại 5 gói thầu gồm 29 mũi thi công đường, 33 mũi thi công cầu và cấu kiện, 4 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt 1.555,56 tỷ đồng, tương đương 22,7% giá trị xây lắp theo hợp đồng (6.852,95 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện tại trữ lượng đất đủ điều kiện khai thác phục vụ cho dự án rất hạn chế, thiếu khoảng 1 triệu m3 cần sớm được giải quyết tháo gỡ để thác, kịp thời cung cấp vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, hiện tại dự án đã chấp thuận 13 mỏ đất, 20 mỏ cát, 11 mỏ đá để cung cấp vật liệu cơ bản đáp ứng cho nhu cầu của dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu theo tiến độ. Vấn đề này cần sớm giải quyết để kịp thời cung cấp vật liệu cho các dự án đường cao tốc.

Cũng theo ông Lương Văn Long, thời gian qua, giá một số vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng khi các dự án đường cao tốc đồng loạt triển khai, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công trong việc triển khai, đáp ứng tiến độ dự án, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Vì vậy, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị các tỉnh ban hành công bố giá, chỉ số giá xây dựng theo tháng sát với thực tế thị trường để dự án có cơ sở thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định, phù hợp với biến động giá thực tế.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có biện pháp hỗ trợ để việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế ảnh hưởng tiến độ dự án. Các cán bộ, chuyên gia tới hiện trường để lắp đặt, sửa chữa máy hoặc xử lý các vấn đề kỹ thuật trong thời gian ngắn (1 - 2 ngày) thì có biện pháp cách ly, quản lý riêng tại hiện trường, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ; đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả trong khi vẫn có thể phục vụ các công việc của dự án, không bắt buộc phải cách ly tập trung.

Nâng công suất mỏ vật liệu cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Còn tại dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Phạm Văn Minh - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT cho biết, kế hoạch vốn xây lắp và GPMB của dự án được giao năm 2021 là 1.096,69 tỷ đồng. Đến ngày 10/8/2021, dự án giải ngân được 678,92 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 62%). Các nhà thầu đã triển khai máy móc, nhân vật lực để thi công 4 gói thầu của dự án này để đáp ứng tiến độ đề ra.

Hiện tại, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành 6,3/6,53km (đạt 97%). Đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An mặt bằng đã hoàn thành 40,143,5km (đạt 92%). Ban Quản lý dự án 6 cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phê duyệt phương án bồi thường GPMB xong trong tháng 9/2021; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành hạ tầng các khu tái định cư còn lại; di dời đường điện, cáp viễn thông...

Về vật liệu cát, nhu cầu về vật liệu cát xây dựng của dự án khoảng 1,1 triệu m3. Hiện nay, có 9 mỏ cát đang khai thác có công suất khai thác 1,32 triệu m3/năm đáp ứng được yêu cầu tiến độ thi công dự án. Đối với vật liệu đá, dự án cần khoảng 800.000 m3. Hiện nay, có 8 mỏ đá đang khai thác có công suất khai thác 988.000 m3/năm đáp ứng được yêu cầu tiến độ thi công dự án.

Nhu cầu về vật liệu đất đắp của dự án khoảng 8,5 triệu m3, hiện nay, có 10 mỏ (trong tổng số 23 mỏ) đang khai thác có trữ lượng khoảng 14 triệu m3, tuy nhiên, công suất khai thác chỉ đạt 4,79 triệu m3/năm, như vậy khối lượng đất đắp cho dự án thiếu khoảng 3,8 triệu m3.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 6 kiến nghị cho phép nâng công suất khai thác thêm 50% công suất ghi trong giấy phép, theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ, đối với 8 mỏ đất đang khai thác để đạt thêm tối thiểu 1,8 triệu m3/năm. Đồng thời, Ban Quản lý dự án 6 cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đẩy nhanh các thủ tục để hoàn thành cấp phép đối với 13 mỏ đất trong tháng 8/2021 với tổng trữ lượng 9,7 triệu m3.

Cũng theo ông Phạm Văn Minh, để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Ban Quản lý dự án 6 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung “luồng xanh” vận chuyển vật tư, thiết bị từ các tỉnh đến dự án hiện đang tổ chức triển khai thi công trên công trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải đăng ký lưu hành vận chuyển thiết bị, vật liệu thi công, ưu tiên cấp mã nhận diện (QR Code) cho các phương tiện tham gia dự án.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam