Cân đo mặt bằng lãi suất nửa cuối quý III

19:24 | 20/08/2021 Print
(TBTCVN) - Nếu như cách đây khoảng 1, 2 tháng, việc giảm lãi suất phụ thuộc vào “thiện chí” của các ngân hàng thì thời điểm hiện tại, chính các ngân hàng cũng đang đối mặt với sức ép phải chủ động giảm lãi suất để đẩy mạnh đầu ra vốn tín dụng.

nh

Nguồn: VNDirect Đồ họa: Hồng Vân

Bất động sản soán “ngôi vua”

Ngân hàng vốn chiếm lĩnh “ngôi vua” về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những tháng trước, với tỷ lệ thường vượt trội so với nhóm đứng thứ hai là bất động sản. Nhưng từ tháng 8, cục diện bất ngờ thay đổi khi ngân hàng chính thức bị lép vế hoàn toàn trước các doanh nghiệp bất động sản.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong nửa đầu tháng 8, nhóm bất động sản chiếm ưu thế vượt trội, với tỷ trọng phát hành trái phiếu lên tới 59,2%. Trong khi đó, giai đoạn này chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu ngân hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế với lãi suất phát hành thả nổi (tương ứng với lãi suất 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cộng biên độ 2%). Tỷ trọng phát hành riêng trong nửa đầu tháng 8 đã tụt xuống mức chỉ còn 6,1%, thậm chí còn thua xa cả nhóm tài chính (24,5%) và nhóm sản xuất công nghiệp (10,2%).

Động thái phát hành của nhóm ngân hàng theo đó đã sụt giảm hẳn bởi chỉ trước đó không lâu, trong tháng 7, nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm vị trí quán quân về phát hành trái phiếu với 22.968 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng có lượng phát hành khá lớn trong tháng này là LienVietPostBank phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm và BIDV phát hành 7.648 tỷ đồng trái phiếu với các kỳ hạn 6,7,8 và 10 năm. Tỷ trọng phát hành của các ngân hàng trong tháng 7 chiếm tới 59%, cao hơn hẳn so với khi tỷ trọng của nhóm bất động sản chỉ với 28%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 95 nghìn tỷ đồng, nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 75,8 nghìn tỷ đồng. Với cục diện này, tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong 7 tháng là 40%, còn nhóm bất động sản là 32%.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 8 với xu thế tăng vọt của nhóm bất động sản và sụt giảm rất mạnh của nhóm ngân hàng khiến cho ngân hàng không chỉ bị bất động sản vượt mặt riêng trong tháng 8, mà vượt mặt luôn cả trong cơ cấu lũy kế tính từ đầu năm.

Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 8, nhóm bất động sản đạt giá trị lũy kế phát hành TPDN đạt 111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% tổng giá trị phát hành TPDN. Trong khi đó, tỷ trọng lũy kế của nhóm ngân hàng phải “ngậm ngùi” lùi xuống vị trí thứ hai, với 105 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%.

Tín hiệu từ các phiên đấu thầu

“Nhiệt huyết” của các ngân hàng đối với huy động trái phiếu sụt giảm có thể được lý giải bởi nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng hiện tại đang không còn bức thiết như trước đây. Ông Lê Thành Hòa - chuyên viên phân tích Khối ngân hàng thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, việc thực hiện giãn cách kéo dài tại nhiều tỉnh/thành phố trong thời gian qua khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tạm thời chững lại cũng có thể khiến cho nhu cầu vay vốn giảm thấp hơn.

Theo ông Hòa, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay cũng sẽ khó khăn hơn trước đối với các ngân hàng. Hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi thì khi đó nhu cầu vay vốn có thể gia tăng trở lại, từ đó các ngân hàng mới đẩy mạnh được hoạt động tín dụng hơn.

Những nhận định trên của ông Hòa không phải không có cơ sở, vì bên cạnh động thái chững lại trong việc huy động trái phiếu của các ngân hàng, một động thái giảm lãi suất trúng thầu của TPDN cho thấy dòng tiền của các thành viên đấu thầu đang trong trạng thái khá dồi dào. Trong số đó, thành viên tham gia các cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ lâu nay được biết đến chủ yếu cũng vẫn là các tổ chức tín dụng.

Trong 2 tuần đầu tháng 8, lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ đều có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, mức giảm trong tuần đầu tháng 8 giảm khoảng 3 - 10 điểm phần trăm và mức giảm trong tuần 2 tháng 8 giảm 2 - 7 điểm phần trăm. Kết quả phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 18/8) cho thấy lãi suất trúng thầu vẫn giảm ở tất cả các kỳ hạn.

Trong khi đó tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất bình quân liên ngân hàng tuần đầu tháng 8 giảm 3 điểm, 5 điểm, 10 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần; lần lượt xuống mức 0,94%, 1,23%, 1,28%. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh hơn trong tuần thứ hai của tháng 8 với mức giảm 11 điểm, 24 điểm, 11 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần; lần lượt ghi nhận ở mức 0,83%, 0,99%, 1,17%.

Với mặt bằng lãi suất hiện nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đến giữa tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm ngoái đối với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần vẫn cao hơn khoảng 63 - 77 điểm. Trong khi đó, so với mức lãi suất thấp nhất của năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt thấp hơn khoảng 90 điểm, lãi suất kỳ hạn qua đêm thấp hơn 66 điểm so với thời điểm cuối năm 2019.

Cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể; đồng thời, chủ động truyền thông trên báo chí về chính sách của mình, thông tin cho khách hàng cụ thể về chính sách giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ để khách hàng biết và tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam