Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp về hỗ trợ dòng tiền

09:50 | 23/08/2021 Print
(TBTCVN) - Góp ý cho dự thảo nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đề nghị bổ sung các giải pháp cụ thể hơn về hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

8

Nguồn: VASEP Đồ họa: Hồng Vân

Nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi nếu không khôi phục kịp trong tháng 9

Đánh giá cao dự thảo nghị quyết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng đây là một văn bản với mục tiêu và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến “sức khoẻ” sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội đồng ý với hầu hết các quyết nghị đã đưa ra trong dự thảo, đồng thời có một số góp ý quan trọng đề nghị bổ sung.

Về mục tiêu, VASEP cho rằng mục tiêu đặt ra là “khôi phục trong thời gian sớm nhất” đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với ngành thuỷ sản thì nếu không khôi phục vào tháng 9/2021, nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi mà không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Ví dụ, không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm cá không còn cơ hội và cực kỳ khó khăn.

Theo các hiệp hội, việc tổ chức sản xuất và không để rơi vào đứt gãy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng đang là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp. Để không đứt gãy, duy trì được sản xuất an toàn lúc này cần được sự thống nhất, thông suốt và sự đồng hành của chính quyền và giảm tối đa những thủ tục, những chi phí có thể giảm cho doanh nghiệp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức trông đợi vào những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động mà có thể phục hồi kịp thời được sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho hàng triệu công nhân, nông dân….

"Chúng tôi đang đứng trước áp lực rất lớn với hai chốt thời gian là ngày 25/8 và ngày 15/9. Với ngành thuỷ sản chúng tôi nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi mà không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi" - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho biết.

Cùng với đó, để cắt giảm chi phí cho DN, VASEP đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể là giảm 30% tiền điện cho các DN chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho DN từ khâu nuôi trồng – chế biến – cấp đông – bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi, giúp giữ vững vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên thương trường.

Tuy nhiên, hiện trong dự thảo nội dung này chỉ đưa ra hỗ trợ cho mỗi “kho bảo quản” là không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu duy trì và phục hồi sản xuất của chuỗi thuỷ sản, đồng thời hoàn toàn khác với ý kiến chính thức của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Thủ tướng với DN ngày 8/8.

VASEP cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng BHXH của các DN khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Dừng, giảm đóng một số quỹ để “cứu” doanh nghiệp

Đối với khoản phí công đoàn, đại diện các DN thủy sản đề nghị để toàn bộ việc hỗ trợ liên quan đến phí công đoàn và kinh phí công đoàn 2% quỹ lương áp dụng cho các DN chứ không chỉ riêng “các DN bị tác động bởi dịch Covid-19” và sửa đổi rõ mức giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương.

Theo Hiệp hội này, DN đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều DN đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn. Việc cần có ngay chính sách hỗ trợ cho DN và người lao động từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) vào lúc này vừa phát huy vai trò của TLĐLĐ, vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng DN. Hơn nữa, hiện kết dư quỹ của TLĐLĐ còn nhiều và có thể sắp xếp được.

Tương tự VASEP, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng có những góp ý cụ thể vào nội dung hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN của dự thảo nghị quyết.

Theo kiến nghị mới nhất, VITAS đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP nhưng không phải chỉ trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ mà 1 năm từ khi nộp hồ sơ. Đối với các DN nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp. VITAS cho rằng, trong khi DN rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp 1 năm để “cứu” DN trong lúc này.

Đối với TLĐLĐ, VITAS cũng kiến nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất thay vì 50% như quy định tại Công văn số 2059/TLĐ của TLĐLĐ. Miễn đóng đến 31/12/2021 cho DN nằm trong các địa phương thực hiện Chỉ thị 16.

Đồng thời, cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại DN trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn...

Liên quan đến nội dung về giảm giá điện, VITAS kiến nghị tương tự như VASEP về làm rõ đối tượng, lĩnh vực giảm giá điện thay vì chỉ cho các kho chứa hàng như dự thảo.

Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị về việc dừng thu phí cảng biển tại TP Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, giảm phí hạ tầng ở các khu công nghiệp…


4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch


Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp (DN), dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.

Cụ thể, về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động, Bộ Y tế được giao tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm bao gồm người lao động của DN tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các DN trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải để vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi; không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN.

Trong nhóm giải pháp về cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam nghiên cứu đề xuất các chính sách tạm dừng, giảm mức đóng BHXH năm 2021 cho DN đến tháng 6/2022. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước xây dựng phương án hỗ trợ các DN vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.

Bộ Công thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các DN logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong 8 nước đến hết năm 2021; đánh giá tác động để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến đại dịch.


Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam