Mặt của đồng tiền

10:07 | 22/08/2021 Print
(TBTCVN) - Để nhấn mạnh đến vấn đề dịch Covid-19 làm tổn thương nhiều thành phần dân cư khác nhau, tác động lớn nhất là đến các nhóm yếu thế trong xã hội, đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) bắt đầu bằng câu chuyện về “mặt của đồng tiền”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Đồng bào ở miền núi có nhắn nhủ chúng tôi rằng, trong khi ở thành phố, đô thị miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở vùng miền núi khó khăn, vùng dân tộc rất ít khi nhìn thấy… mặt của đồng tiền. Nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp, tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch” - đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu tại nghị trường kỳ họp thứ nhất, tháng 7/2021.

Theo bà, “ngay cả khi Việt Nam thực hiện tiêm chủng thành công, đạt miễn dịch cộng đồng thì Covid-19 vẫn tồn tại và phải sống trong bối cảnh bình thường mới, chứ không thể trở về cuộc sống bình thường cũ được nữa. Chúng tôi lo lắng rằng, nếu không có các giải pháp mạnh, cụ thể, quyết liệt, đồng bộ thì hậu Covid-19 khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng và rất khó thực hiện được mong muốn Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Việt Nam trong mấy thập kỷ qua đã được cả thế giới biết đến là một quốc gia đặc biệt thành công trong công cuộc giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020 giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo từ mức 58% năm 1993 đến nay chỉ còn 2,75%, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một điển hình trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ khi về đích trước thời hạn từ rất sớm đối với mục tiêu giảm nghèo. Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt ra yêu cầu cao hơn trong giảm nghèo là giảm nghèo đa chiều thực chất và bền vững. Kể từ năm 2022 sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập và các dịch vụ xã hội, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh… Mục tiêu cụ thể được đặt ra là giảm bình quân 1 đến 1,5% tỷ lệ hộ nghèo trong năm, chuẩn nghèo nâng lên từ mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng khu vực nông thôn, từ 900 nghìn đồng lên 2 triệu đồng khu vực thành thị…

Với các yêu cầu đặt ra cao hơn này, thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Cùng với đó, cơn “cuồng phong” mang tên Covid-19 sẽ cuốn theo nó rất nhiều người dân rơi vào cảnh đói nghèo. Thành quả giảm nghèo của Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn. Con đường này càng lúc càng khó đi về phía trước, muốn tiếp tục tiến bước, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Trong một diễn biến có liên quan, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), nơi vẫn được coi là “Mạnh thường quân” cho các địa phương trong cả nước khi thu ngân sách của địa phương này luôn dẫn đầu cả nước, bình quân mỗi ngày, “đầu tàu” thu hơn 1 nghìn tỷ đồng ngân sách. Thì nay, đã vừa kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ cho TP.HCM gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho hơn 4,7 triệu người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ.

Hai tháng qua, ngoài gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ chung cả nước, TPHCM có thêm hai gói với tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác nhằm giúp đỡ người dân khó khăn.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, thời gian giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM. Rất nhiều người lao động, sinh viên, công nhân... gặp khó khăn, vất vả. Do đó, TP.HCM gặp khó khăn khi lo vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho người dân.

Và trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu thoái lui, thì một mùa mưa bão năm nào cũng như năm nào luôn tàn phá sức người sức của, đến hẹn lại sắp sửa sầm sập kéo đến ở đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”…

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam