Xuất khẩu có xu hướng suy giảm, giải pháp nào vực dậy?

21:57 | 23/08/2021 Print
Xuất khẩu đang có xu hướng suy giảm mạnh khi doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, cần cấp bách thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu đạt 8% năm 2021.

Xuất khẩu đang có xu hướng suy giảm mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2021 (từ ngày 01/8 - 15/8) đạt 24,1 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 5,31 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021.

Tính đến hết 15/8/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta từ đầu năm hết ngày 15/8/2021 đạt 399,27 tỷ USD, tăng 28,6%, tương ứng tăng 88,83 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 275,82 tỷ USD, tăng 32,3% (tương ứng tăng tới 67,31 tỷ USD). Còn trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 123,45 tỷ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 21,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, trong kỳ 1 tháng 8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,36 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 3,88 tỷ USD.

Đáng chú ý, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2021 suy giảm mạnh tới 24,2%, chỉ đạt 11,37 tỷ USD. Trong đó, một số sản phẩm giảm mạnh như điện thoại các loại và linh kiện giảm 782 triệu USD, tương ứng giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 524 triệu USD, tương ứng giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 321 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 266 triệu USD, tương ứng giảm 41,6%...

xk

Trong kỳ 1 tháng 8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,36 tỷ USD. Ảnh: TL

Ngoài ra, thông tin về số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 8/2021 đạt 8,37 tỷ USD, giảm 24%, tương ứng giảm 2,64 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 7/2021.

Gỡ vướng để phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 8%

Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam với những trọng điểm kinh tế như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu. "Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu của nước ta tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh và đối mặt với không ít khó khăn."- ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định.

Trước tình hình đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 1993/QĐ-BCT về kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó đưa ra giải pháp hàng đầu là cần chủ động quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu nông sản qua biên giới và kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu, thông quan thuận lợi, an toàn. Đồng thời, theo dõi việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, triển khai kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc.

Song song với đó chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp ổn định sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên cơ sở đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các ngành hàng công nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Ngoài ra, Bộ Công thương yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tiết hoạt động lưu thông hàng hóa phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi...

Mặt khác, Bộ Công thương đặt mục tiêu quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, chủ động tháo gỡ khó khăn và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Giữ vững, kết hợp với mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.../.

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2021 đạt 12,73 tỷ USD, giảm 11,7% (tương ứng giảm 1,68 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021. Chủ yếu ở một số nhóm hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 217 triệu USD, tương ứng giảm 10,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 209 triệu USD, tương ứng giảm 6,3%; ngô giảm 161 triệu USD, tương ứng giảm 81%...Như vậy, tính đến hết 15/8/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 201,58 tỷ USD, tăng 34,3% (tương ứng tăng 51,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam