Covid-19 đẩy 75 tới 80 triệu người tại châu Á vào tình trạng nghèo cùng cực

12:12 | 24/08/2021 Print
Ước tính, đại dịch Covid-19 đã khiến thêm 75 tới 80 triệu người dân ở các nước châu Á đang phát triển bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái, so với trong trường hợp không có Covid-19.

ngheo

Covid-19 gây ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các hộ gia đình và người lao động nghèo trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ảnh: AFP

Ngày 24/8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2021. Theo ADB, đại dịch Covid-19 đang đe dọa tiến triển của khu vực châu Á và Thái Bình Dương hướng tới những chỉ tiêu then chốt trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Ước tính đại dịch đã khiến thêm 75 tới 80 triệu người dân ở các nước châu Á đang phát triển bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực trong năm ngoái, so với trong trường hợp không có Covid-19.

Nếu giả định rằng, đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng, thì mức tăng tương đối tỷ lệ nghèo cùng cực- được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày- thậm chí còn cao hơn. Tiến triển cũng chững lại trong các lĩnh vực như xóa đói, y tế và giáo dục, vốn đã đạt được những thành tựu sớm đáng ghi nhận trên khắp khu vực, mặc dù chưa đồng đều.

Báo cáo các chỉ số chính trình bày số liệu thống kê toàn diện về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường của 49 quốc gia thành viên trong khu vực của ADB. Theo báo cáo, khoảng 203 triệu người, tương đương 5,2% dân số ở các nước châu Á đang phát triển, sống ở mức nghèo cùng cực vào năm 2017. Nếu không có Covid-19, con số này có thể đã giảm xuống còn khoảng 2,6% vào năm 2020.

Theo ADB, nền kinh tế của châu Á và Thái Bình Dương đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và đóng góp tới 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu - tính theo đồng USD hiện hành - trong năm 2019. Nhưng Covid-19 đã gây tổn thất nặng nề ngay khi dòng đầu tư trong nước suy yếu và hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu chững lại đang bắt đầu thách thức đà tăng này.

Trong số các nền kinh tế được báo cáo ở châu Á và Thái Bình Dương, chỉ 1/4 có tăng trưởng GDP vào năm ngoái. Khu vực này đã mất khoảng 8% số giờ làm việc do những hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các hộ gia đình và người lao động nghèo hơn trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Ông Yasuyuki Sawada - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng Covid-19 đã làm lộ ra những đứt gãy về kinh tế và xã hội có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào dữ liệu chất lượng cao và kịp thời để định hướng hành động, nhằm bảo đảm rằng quá trình phục hồi sẽ không bỏ lại ai phía sau, đặc biệt là là người nghèo và người dễ tổn thương”.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam