WB dự kiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% trong năm 2021

17:27 | 24/08/2021 Print
GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn 2% so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

wb

Nguồn: WB

Chiều 24/8, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã họp báo trực tuyến công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam.

Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc

Phân tích những diễn biến của kinh tế Việt Nam gần đây, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Việt Nam, nhận định trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc 5,6% dù khủng hoảng Covid-19 còn kéo dài. Phát huy kết quả ngoạn mục đạt được trong nửa cuối năm 2020, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,65% quý I và 6,61% quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn từ góc độ chi tiêu, động lực tăng trưởng chính trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu là tiêu dùng trong nước đang phục hồi và phần nhỏ hơn là đầu tư tư nhân, đóng góp lần lượt ở mức 53,4% và 18,3% vào tăng trưởng GDP.

Các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc. Cán cân thanh toán vẫn tích cực, tín dụng và cung tiền đều tăng, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc Covid-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam…

Tuy nhiên, cũng theo bà Dorsati, mặc dù nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tương đối vững trong nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021 và bởi tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp.

Trong tháng 7/2021, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng dường như đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.

Do đó, WB dự báo, trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7% từ năm 2022 trở đi. Cùng với đó, bội chi ngân sách 2021 dự kiến sẽ tăng từ 4,9% lên 6% GDP; thặng dự tài khoản vãng lai giảm từ 4,6% xuống 0,5% GDP.

Bà Dorsati cho biết, đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo của WB hồi tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây và còn phụ thuộc vào một số rủi ro tiêu cực.

Kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 3,2% trong kịch bản tiêu cực

Theo WB, có một số rủi ro tiêu cực đối với triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn đối với kinh tế Việt Nam. Viễn cảnh kinh tế trong ngắn và trung hạn của Việt Nam phụ thuộc vào một số yếu tố: tốc độ tiêm vắc-xin trong nước; diễn biến của đại dịch và quá trình phục hồi hoạt động kinh tế ở các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam; tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể làm chậm quá trình phục hồi.

Nếu một hoặc nhiều rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, thì nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ không hồi phục lại như dự kiến. Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022 (kịch bản xấu). Lạm phát vẫn ở mức thấp, nhưng cân đối tài khóa và cán cân khu vực kinh tế đối ngoại sẽ không cải thiện được như dự báo trong kịch bản cơ sở từ năm 2021 trở đi.

Báo cáo của WB khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng Covid-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cũng cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là cần quan tâm đến nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.

Theo WB, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của quốc gia có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại cũng như tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân. Tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ càng làm tăng “nỗi đau kinh tế” của Việt Nam vì Chính phủ không thể nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm giúp nền kinh tế phục hồi.

Do đó, phục hồi kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ bằng cách đẩy nhanh triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng để đảm bảo ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào cuối năm, nhằm ngăn ngừa các đợt bùng phát nghiêm trọng mới.

“Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi” ông Rahul Kitchlu- quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ.)

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam