Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số

00:03 | 25/08/2021 Print
Việc Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ, mà được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.

wb

Ảnh minh họa: WB

Có vị thế tốt về kinh tế số

Báo cáo "Việt Nam số hóa - Con đường đi đến tương lai" vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt về kinh tế số.

Trong năm vừa qua, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, bao gồm Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld)- nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường và Viễn Liên- doanh nghiệp thiết bị viễn thông, tăng lần lượt 252,1% và 189,4%.

Khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng Covid-19, rõ ràng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có uy thế về công nghệ số và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn được tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ông Hoàng Anh Tú- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ là con đường mà Việt Nam lựa chọn. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP; 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, là nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp số tới kinh doanh và thành công.

Theo ông Jacques Morisset- chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới. Cho đến nay, Việt Nam đã làm việc này rất tốt.

Ngày nay, Việt Nam được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động và người dân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư.

Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,… Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980 và gần đây là Trung Quốc.

Ba giải pháp xây dựng năng lực số cho quốc gia

Theo ông Jacques Morisset, Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới. Việt Nam vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh - kỹ năng, tài chính, môi trường pháp lý thuận lợi, bao gồm tiếp cận và an ninh dữ liệu - gây cản trở việc tận dụng tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

Báo cáo của WB cho rằng, cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ, mà được quyết định bởi năng lực khai thác được nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.

Theo WB, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam sẽ cần tiến hành một số hành động. Ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.

Nếu những thách thức này không được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam khẩn trương xử lý thì sẽ dẫn đến rủi ro là lợi ích từ áp dụng công nghệ số sẽ không lớn như kỳ vọng và sẽ được phân bố không công bằng, có thể dẫn đến những căng thẳng về kinh tế, xã hội và chính trị. Ngoài hạ tầng hiện đại, có ba giải pháp được WB khuyến nghị nhằm xây dựng năng lực số cho quốc gia với Chính phủ đóng vai trò trung tâm.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động có được những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số. Nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 việc làm hiện có ở Việt Nam, nhưng đồng thời có thể tạo ra việc làm mới với những kỹ năng khác.

Giải pháp thứ hai là phải đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn. Vì vậy, cần bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường khả năng tiếp cận, chất lượng và an ninh thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến dữ liệu mở - trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng. Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước.

Theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, ba định hướng chính sách trên đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm cả ở khu vực công và tư nhân.

Thanh Hiền

Thanh Hiền

© Thời báo Tài chính Việt Nam