Sửa Thông tư 01/2020/TT/NHNN: Ngân hàng và doanh nghiệp đều “dễ thở”

18:40 | 24/08/2021 Print
(TBTCVN) - Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kế hoạch sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, với một số mốc thời gian để xem xét giãn nợ được kéo dài, phần nào cũng giúp cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính sát thực và tính dễ hiểu của văn bản.

nh

Thông tư 01 được sửa đổi giúp ngân hàng chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng.

Cập nhật quy định theo tình hình mới

Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Thông tư 01 đã được sửa đổi, bổ sung 1 lần tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021).

Theo NHNN, việc sửa đổi Thông tư 01 được thực hiện trên cơ sở các nghị quyết của Chính phủ trong tháng 7/2021 với quan điểm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, chính sách hướng tới việc hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời, giúp các ngân hàng chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, với góc nhìn của một chuyên gia độc lập, ông Châu Đình Linh, Giảng viên Học viên Ngân hàng
TP. Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm việc cần thiết phải sửa Thông tư 01 và Thông tư 03, vì thời điểm ban hành 2 thông tư trên, tình hình dịch bệnh ít phức tạp hơn.

Thực tế cho thấy, đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, gặp khó trong trả nợ. Bối cảnh dịch bệnh và tình hình kinh tế chung giai đoạn hiện cũng đã khác xa so với thời điểm NHNN ban hành Thông tư 01 và 03. Hiện nay, nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 01 và 03.

Một số ngân hàng cho rằng, việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân trong các đợt sau khiến ngân hàng không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các khoản nợ như trên theo đó có thể sẽ vẫn bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và cả tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng.

Trước thực tế hiện nay, một số mốc thời gian về điều kiện đối các khoản nợ được tái cơ cấu cũng đang được xem xét điều chỉnh trong thông tư mới sắp ban hành.

Tại Thông tư 01, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ với một số điều kiện, trong đó có điều kiện về thời gian (phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính). Mốc thời gian mới theo dự thảo thông tư đang được soạn thảo dự kiến được NHNN đặt ra là 1/8/2021.

Ngoài ra, một trong những điều kiện nữa về thời gian là theo quy định tại Thông tư 01, nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021. Còn theo dự thảo hiện tại của NHNN, thời gian có thể được điều chỉnh sang mốc mới là 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, tức mốc thời gian về nghĩa vụ trả nợ được kéo dài thêm nửa năm so với quy định cũ.

Các quy định cần bám sát thực tế

Những điều chỉnh theo hướng kéo giãn các mốc thời gian được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với nguyện vọng của các ngân hàng và khách hàng vay. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng vẫn tiếp tục tỏ ra quan tâm đến yếu tố sát thực, để thông tư khi ra đời có sự phù hợp và bám sát nhất với thực tế thời điểm đó.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, điều kiện về thời gian phát sinh khoản nợ không nên chốt cứng là trước 1/8/2021 mà nên để linh hoạt hơn, có thể tính bắt đầu từ thời điểm chính thức ban hành thông tư để các quy định được sát nhất với thực tế khi thông tư chính thức ra đời. Ông Lực tỏ ra quan tâm nhiều về vấn đề thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không nên ấn định là 12 tháng (Thông tư 01 và dự thảo thông tư mới vẫn giữ quy định này) mà có thể để một khung thời gian dài hơn, điều đó có thể giúp cho việc thực thi có thể linh hoạt hơn theo thực tế diễn biến của dịch bệnh.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đặt mối quan tâm về việc thông tư mới ban hành làm sao dễ áp dụng nhất. Bởi lẽ, thực trạng của các ngân hàng phải theo dõi rất nhiều khoản nợ, nên cách tính toán phức tạp rất dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót khi thực hiện. Trong một cuộc thảo luận cách đây ít lâu giữa Hiệp hội Ngân hàng với một số ngân hàng hội viên, một số ý kiến cũng đề nghị NHNN nên nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các tổ chức tín dụng trong công tác trích lập dự phòng, nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

Ông Cấn Văn Lực cũng cho biết, thông tư mới ban hành cũng nên là một văn bản có tính tổng quát sao cho người sử dụng chỉ cần sử dụng 1 văn bản để áp dụng, không nên để các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau khiến cho người sử dụng phải tra cứu nhiều văn bản sẽ rất rắc rối.

Kéo dài nghĩa vụ trả nợ thêm nửa năm là phù hợp


Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh, dự thảo thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với các khoản nợ có nghĩa vụ trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp.
Quy định này đưa ra nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam