Hiệu quả hỗ trợ về thuế: Trách nhiệm phải có từ hai phía

09:53 | 25/08/2021 Print
(TBTCO) - Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, hệ thống chính sách hỗ trợ về thuế đã tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để những hỗ trợ này thực sự hiệu quả thì cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi chính sách đều cần nỗ lực hơn.
Để vượt qua đại dịch, ngoài chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Để vượt qua đại dịch, ngoài chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự thân nỗ lực.

70% doanh nghiệp hài lòng với chính sách hỗ trợ

Từ trước tới nay, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính luôn quan tâm đến việc thiết lập, ban hành nhiều cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn phức tạp.

Trên thực tế trong nhiều năm qua, một số loại thuế được giảm khá nhanh ở Việt Nam, như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã giảm dần từ 32% xuống 28%, 25%, 22%. Hiện nay, mức thuế này với DN lớn chỉ còn 20% và 17% với DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, các ưu đãi về chi phí tính thuế, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng, đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục,... cũng liên tục được đưa ra.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành và chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; giảm thuế nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng; giảm mức thu của 30 loại phí, lệ phí đến hết năm... Mới đây, Chính phủ tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số chính sách như giảm từ 30-50% một số loại thuế cho DN như thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng; miễn tiền chậm nộp,… Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Số tiền hỗ trợ của năm 2020 lên tới khoảng 129 nghìn tỷ đồng và năm 2021 ước tính trên 138 nghìn tỷ đồng.

Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư, quay trở lại có đóng góp cho nền kinh tế và ngân sách.

Các chính sách hỗ trợ giúp tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp

“Thời gian qua, các giải pháp và chính sách hỗ trợ đã góp phần vào khả năng chống chọi của doanh nghiệp, nhưng tôi xin nhấn mạnh là chỉ góp phần, chứ không làm được tất cả nhiệm vụ, không phải hỗ trợ là doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua. Vấn đề chính nằm ở năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thấu hiểu điều này”– ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Bình luận về sự hỗ trợ của Nhà nước với DN thời gian qua, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, hệ thống chính sách hỗ trợ đã tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Một số chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 tuy có tính chất ngắn hạn nhưng cực kỳ quan trọng, nếu được triển khai tốt sẽ bổ trợ cho hệ thống chính sách có sẵn đã được xây dựng hình thành từ nhiều năm nay như các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân hay bộ luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa…

Một khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã cho thấy, 70% DN hài lòng với các chính sách hỗ trợ hiện nay. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ người lao động lại chính là giúp cho DN giữ chân người lao động và duy trì sản xuất, kinh doanh.

“Về mặt chính trị, các chính sách hỗ trợ giúp cộng đồng kinh doanh cảm nhận được trách nghiệm từ phía Chính phủ và cơ quan nhà nước, tạo niềm tin cho DN cảm thấy Chính phủ cần và thấu hiểu DN. Đối với nước ta, niềm tin này đã được kiểm chứng trong thực tế hơn 1 năm rưỡi qua, kinh tế vẫn phát triển dù dịch bệnh khó khăn” - TS. Tô Hoài Nam cho biết thêm.

Cần sự minh bạch của doanh nghiệp

Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, chính sách ưu đãi về thuế luôn được ưa thích nhất đối với cộng đồng kinh doanh. Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại ở Việt Nam là sự thiếu minh bạch trong báo cáo thuế của khối DN nhỏ và siêu nhỏ.

Theo TS. Tô Hoài Nam, để các chính sách hỗ trợ về thuế thực sự có tác dụng thì DN phải có trách nhiệm đưa ra phần quản trị, báo cáo kế toán tương đối chính xác với thực tiễn kinh doanh. Nếu không thì những DN này sẽ không quan tâm nhiều đến những ưu đãi về thuế.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, để đảm bảo chính sách thuế đi vào cuộc sống, việc triển khai là hết sức quan trọng. Ví dụ như hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đang được Bộ Tài chính, Chính phủ đề xuất, ngay sau khi các chính sách được ban hành, cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn DN làm thủ tục để được miễn, giảm thuế theo hướng đơn giản hóa, chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng.

“Khi có các văn bản hướng dẫn, cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời gửi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua zalo hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ DN, để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra” – bà Cúc khuyến nghị.

Ngoài ra, DN cũng cần bố trí, sắp xếp lại sản xuất, nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về thuế, các thủ tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế.

Giảm thuế giá trị gia tăng mang lợi ích thiết thực với doanh nghiệp

Nhìn lại việc thực hiện trong hơn 1 năm qua có thể thấy, với những DN vẫn đang hoạt động, vẫn có lợi nhuận nhưng lợi nhuận giảm do ảnh hưởng của Covid-19 thì việc giảm thuế TNDN sẽ có ý nghĩa gia tăng lợi nhuận để lại cho DN tái đầu tư. Tuy nhiên, với các DN thua lỗ thì giảm thuế TNDN không có giá trị.

Hay với những DN mà vẫn tiêu thụ được hàng hóa, vẫn cung ứng dịch vụ nhưng chi phí đầu vào tăng dẫn đến bị lỗ thì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng mới giúp DN có thêm nguồn tài chính. Còn với các DN không thể hoạt động bình thường, không thể tiêu thụ hàng hóa thì có thể gia hạn, hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất mới có ý nghĩa.

Tương tự với hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn khiến quy mô kinh doanh thấp thì được giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lại phát huy tác dụng.

Nhận thức được điều này, cũng để gói hỗ trợ tài khóa được phổ rộng và “đến tay” được nhiều đối tượng đang gặp khó khăn hơn, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách cho đầy đủ các loại hình.

Nhận xét về điều này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ rằng: “Khi có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho cả DN, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh ở hầu hết mọi lĩnh vực tôi thấy khá mừng. Cụ thể, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Đồng thời, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...”

Nói thế để thấy rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN dù ở mức 30% hay 50%, vì dù DN không có lãi nhưng cứ có doanh thu là phải nộp thuế. Giảm thuế giá trị gia tăng, đối tượng thụ hưởng sẽ lớn, thiết thực và được đánh giá cao.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đông Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam