Thị trường chứng khoán: Nhận diện cơ hội của những nhóm ngành

22:33 | 26/08/2021 Print
Theo các chuyên gia, mặc dù có đợt điều chỉnh tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn còn những điểm sáng như dòng tiền vẫn ở lại thị trường chứng khoán chứ chưa rút ra, do đó thị trường vẫn còn dư địa đi lên.

gdck

Nhà đầu tư vẫn luôn chờ đợi cơ hội để giải ngân. Ảnh: Duy Dũng

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

* PV: Chỉ số VN-Index vừa có một đợt điều chỉnh tương đối mạnh khi giảm hơn 70 điểm, đánh mất nỗ lực phục hồi của thị trường trong hơn 1 tháng qua khi đưa chỉ số từ mức 1.372,71 điểm về 1.301,12 điểm. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới đợt điều chỉnh này?

Về cơ bản dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường cổ phiếu, với tình hình dịch bệnh hiện tại cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với kênh đầu tư khác.

ong the minh

Ông Nguyễn Thế Minh

- Ông Nguyễn Thế Minh: Nguyên nhân khiến cho thị trường có đợt điều chỉnh vừa qua là do ảnh hưởng của những thông tin về dịch Covid-19 trước những kỳ vọng cuối tháng 8 tình hình dịch bệnh sẽ khả quan hơn, nhưng với những thông tin hiện tại, dịch bệnh sẽ còn kéo dài hơn, vì thế đây vẫn là yếu tố lớn nhất, tác động tới xu hướng của thị trường.

Ngoài ra còn thêm một số vấn đề khác như nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng từ đầu tháng 8, với 3 tuần bán ròng mạnh nhất kể từ năm 2020. Có thể thấy khối ngoại cũng đang lo sợ về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam chưa kiểm soát được giống như các quốc gia Thái Lan, Philippines, Singapore, do đó khối ngoại có động thái thận trọng hơn.

Trong khi đó, các quỹ như ETF Fubon trước đây mua ròng mạnh nhưng thời gian gần đây cũng có động thái rút ròng. Đây là yếu tố thứ 2 tác động tới đà giảm của thị trường thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, ngoài những thông tin xấu, thị trường cũng thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tích cực, do đó khiến tâm lý nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

* PV: Theo nhận định của ông, phiên giảm sâu vừa qua thị trường cũng đã ghi nhận mức thanh khoản kỷ lục tăng 2 tỷ USD, điều này liệu có thể khẳng định việc dòng tiền lớn đã quay lại thị trường?

- Ông Nguyễn Thế Minh: Về cơ bản dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường cổ phiếu, với tình hình dịch bệnh hiện tại cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với kênh đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Việc giãn cách xã hội tại các thành phố lớn cũng khiến cho hoạt động đầu tư bất động sản gặp khó.

Ngoài ra, nhiều ngành nghề sản xuất cũng bị hạn chế nên một số doanh nghiệp sẽ rơi vào trạng thái dư tiền, chờ đợi những phiên thị trường điều chỉnh mạnh để mua cổ phiếu, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Lịch sử cho thấy sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ đi lên. Do đó, nhiều nhà đầu tư tận dụng những cơ hội thị trường giảm mạnh để giải ngân đó là lý do có phiên giao dịch 2 tỷ USD trong ngày 20/8. Điều đó cũng cho thấy dòng tiền chưa rút khỏi thị trường mà luôn chờ đợi cơ hội để giải ngân.

* PV: Theo ông dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhóm ngành nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều và nhóm ngành nào ít chịu tác động của dịch?

Ông Nguyễn Thế Minh: Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp năm nay sẽ trở nên rõ nét hơn khi dịch diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Do đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp.

Nhóm ngành bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là hàng không, giải trí, từ đó kéo theo những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhóm ngành xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng từ 40 - 50%, thấp hơn so với quý trước đó.

Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành có khả năng tăng trưởng tốt như chứng khoán khi thanh khoản thị trường ở mức cao, dự báo chứng khoán sẽ là ngành tăng trưởng mạnh trong quý III.

Ngoài ra, vận tải cảng biển cũng sẽ là nhóm ngành được hưởng lợi khi giá logistics ở mức cao. Bên cạnh đó, nhóm ngành thép cũng có những tín hiệu khả quan. Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng tới năng lực sản xuất của ngành thép, tuy nhiên chuỗi cung ứng nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động được, không bị chững lại. Kết quả kinh doanh 7 tháng của những doanh nghiệp thép cũng khá tích cực.

Ngoài ra, nhiều khả năng sau thời gian giãn cách xã hội tại các thành phố lớn thì hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và nhóm ngành thép sẽ là ngành được hưởng lợi chính. Đây cũng sẽ là 3 nhóm ngành thu dòng hút tiền trong thời gian tới trên thị trường chứng khoán.

* PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong những ngày cuối tháng 8 và tháng 9 tới?

Ông Nguyễn Thế Minh: Mặc dù có đợt điều chỉnh, tuy nhiên thị trường vẫn còn những điểm sáng như dòng tiền vẫn ở lại thị trường chứng khoán chứ chưa rút ra, do đó về nguyên tắc thị trường vẫn còn dư địa đi lên.

Tuy nhiên, theo tôi thị trường những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vẫn sẽ có xu hướng đi ngang. Khi dịch bệnh khả quan hơn, thị trường chứng khoán sẽ trở lại xu hướng tăng rõ ràng hơn. Tuy vậy, dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng tới định giá của các doanh nghiệp. Do đó những tháng cuối năm, nhiều khả năng thị trường sẽ quay lại đỉnh cũ 1.420 điểm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam