Doanh nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh, vực lại nền kinh tế

10:32 | 27/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh khó khăn bủa vây vì dịch bệnh bùng phát, nhờ các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó và vững tin sẽ sớm trở lại “trạng thái bình thường mới”, vực dậy nhanh chóng...

9

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn bủa vây vì dịch bệnh bùng phát, nhờ các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách thiết thực về miễn, giảm chi phí về thuế, phí…, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó và vững tin sẽ sớm trở lại “trạng thái bình thường mới”, vực dậy nhanh chóng trong trung hạn.

PV: Đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào tình cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, xin ông cho biết, cộng đồng DN đã có những động thái như thế nào để chung tay cùng với Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh, góp phần ổn định và vực dậy nền kinh tế?

TS. Tô Hoài Nam: Thực tế cho thấy, giữa bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát trên diện rộng, cộng đồng DN tuy gặp nhiều khó khăn, song không ngừng nỗ lực chống chọi, duy trì sản xuất để góp phần ổn định nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động. Đặc biệt, DN cũng không quên trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, với tinh thần tương thân tương ái, chung tay chia sẻ cùng với Nhà nước thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, nỗ lực để nhanh chóng vượt qua đại dịch.

pv9
TS. Tô Hoài Nam

Điển hình, ngay sau khi nhận được chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, DN đã nhanh chóng, linh hoạt bắt tay vào triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các DN đặt mua thiết bị phòng dịch, yêu cầu lao động, công nhân thực hiện, tiến hành phun khử trùng, mở các chiến dịch truyền thông nội bộ để tuyên truyền, giải thích về tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh, hướng dẫn lao động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và gia đình…

Đồng thời, DN có nhiều hoạt động để hỗ trợ các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ủng hộ tài chính cho công tác phòng chống dịch và quỹ vắc xin đến việc tham gia các chương trình, hoạt động xã hội như hiến máu, tặng khẩu trang cho lực lượng trực tiếp phòng chống dịch, ủng hộ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến…

Bên cạnh đó, trong khi tại nhiều địa phương đang bị áp dụng biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do hàng hóa nông sản bị ùn tắc, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ nhau, nhiều DN đã bắt tay hỗ trợ thu mua hàng trăm tấn nông sản để tiêu thụ và gửi tặng cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa.

Ngoài ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, số ca mắc liên tục tăng cao, nhiều người lao động không có việc làm cũng không thể về quê, các DN đã thực hiện các chương trình thiện nguyện trao quà, lương thực, thiết bị y tế phòng chống dịch hỗ trợ người dân.

Đại dịch Covid-19 bùng phát
khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”


Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp (DN), người dân. Trong đó, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nhất là hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí...

Đáng chú ý, nhiều DN đứng trước khó khăn: nguồn cung cấp nguyên phụ liệu bị đứt gãy, hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa ra thị trường gặp không ít rào cản gây ùn ứ, khiến nguy cơ tạm dừng hoạt động, từ bỏ thị trường, phá sản cận kề. Thậm chí, kể cả đối với những DN làm ăn tốt thì chi phí sản xuất – kinh doanh cũng bị đội lên khá cao khiến lợi nhuậngiảm mạnh.

Có thể thấy, đó là những hành động hết sức thiết thực và ý nghĩa thể hiện rõ nét sự đồng lòng, chung tay của cộng đồng DN đối với đất nước để cùng đoàn kết vượt qua đại dịch.

PV: Đã có rất nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, vực lại sau đại dịch được triển khai thời gian qua. Trong đó, cộng đồng DN đánh giá cao các chính sách thiết thực về miễn, giảm thuế, phí... Mới đây nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về chính sách này?

TS. Tô Hoài Nam: Trong bối cảnh trên, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN với chính sách giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ…, là vô cùng cần thiết, phù hợp. Qua đó sẽ góp phần chia sẻ với cộng đồng DN, giúp DN tích lũy được nhiều nguồn lực hơn, dự phòng được nhiều hơn để trang trải, chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn ở phía trước cũng như bớt tổn thương trước những xáo trộn có thể bủa vây thời gian tới.

Chúng ta đều biết, một chính sách thì không thể nào giải quyết được hết các vấn đề mà DN đang phải đối mặt, mà phải cần sự kết hợp của rất nhiều chính sách, giải pháp khác. Song có thể thấy, nếu dự thảo nghị quyết nêu trên được thực thi sẽ giảm đi gánh nặng về tài chính cho DN, giúp họ tích lũy được nhiều nguồn lực hơn để trang trải, chuẩn bị cho những khó khăn lớn hơn ở phía trước nếu có, bớt tổn thương trước những xáo trộn có thể bủa vây thời gian tới.

PV: Vậy theo ông, bên cạnh những chính sách hiện hành trong lĩnh vực thuế, Nhà nước cần có thêm chính sách gì nữa để hỗ trợ DN vực dậy sau đại dịch một cách hiệu quả?

TS. Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng khung chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như các bộ, ban, ngành hiện nay đối với DN cũng đã tương đối đầy đủ. Điều quan trọng nhất đó là tổ chức, đôn đốc triển khai cho nhanh ở cấp cơ sở một cách khoa học, nhanh chóng và đạt hiệu quả hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn ông!
Hỗ trợ về thuế giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đánh giá, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 được chờ đợi như chiếc “phao cứu sinh” cho DN trong “cơn bão” dịch bệnh thứ 4 này.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme), có thể khẳng định, các nội dung hỗ trợ về thuế trong dự thảo có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng DN, phần nào giảm bớt khó khăn trong khi điều kiện sản xuất kinh doanh cầm chừng và thu nhập của người dân bị thu hẹp. Số tiền được miễn giảm DN sẽ đưa vào vốn lưu động, đỡ phải vay vốn để nhập nguyên liệu sản xuất. Qua đó, cộng đồng DN Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cảm nhận được sự đồng hành, sẻ chia Quốc hội, Chính phủ và của Bộ Tài chính trước những khó khăn, rủi ro của DN. “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Tài chính trong giai đoạn này để DN giảm một phần khó khăn từ đại dịch” - đại diện Hanoisme nhấn mạnh.

Để nhanh chóng thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Vinasme cho rằng, điều quan trọng nhất nằm ở vấn đề thiết kế các điều kiện phù hợp để DN có thể được thụ hưởng trong tầm tay.

Ông Nam đề xuất, nên giảm thiểu các điều kiện để DN tiếp cận sự hỗ trợ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với số lượng nhiều nhất. Bên cạnh đó, nên giảm bớt các thủ tục không cần thiết khác hoặc xem xét các trường hợp có thể cho DN nợ thủ tục. Đồng thời, xem xét tính cấp bách cũng như sự phù hợp về thời gian áp dụng để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động, sản xuất – kinh doanh, dịch vụ sẵn sàng hoạt động trở lại bình thường.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tố Uyên (Thực hiện)

Tố Uyên (Thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam