Quản lý đường bộ đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế

19:05 | 26/08/2021 Print
(TBTCVN) - Các chuyên gia cho rằng, mô hình hoạt động của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) hiện nay trong quản lý chuyên ngành đường bộ, bảo trì đường bộ (BTĐB) là đúng quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế.

gt

Bảo trì đường bộ theo mô hình hiện tại giúp đảm bảo thống nhất về đầu tư, duy tu bảo dưỡng, khai thác của hệ thống quốc lộ.

Kết quả của quá trình hoàn thiện trong thời gian dài

Theo các chuyên gia, hiện tại mô hình tổ chức của Tổng cục ĐBVN là kết quả của quá trình hoàn thiện trong thời gian dài, phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo hiệu lực, đáp ứng các yêu cầu của cải cách hành chính và đã được tinh gọn; thuận lợi để tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, với con dấu quốc huy, Tổng cục ĐBVN đang đại diện cho Nhà nước Việt Nam thực hiện đàm phán ký kết các hiệp định vận tải quốc tế đối với các nước ASEAN và Trung Quốc, bởi vì đại diện của các nước ASEAN, Lào, Camphuchia, Thái Lan và Trung Quốc khi ký kết hiệp định là cấp tổng cục theo quan hệ đối đẳng trong thẩm quyền quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN thực hiện công tác bảo trì quốc lộ thường xuyên để duy trì tình trạng kỹ thuật, đảm bảo năng lực thông qua của các tuyến đường, hàng năm ngân sách nhà nước phải dành một khoản tương đối lớn phục vụ công tác này và đa số các dự án bảo trì được thực hiện qua các ban quản lý dự án chuyên ngành đường bộ. Điều này cũng phù hợp với Luật Xây dựng 2015, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định chỉ có cấp tổng cục mới có ban quản lý dự án.

Đồng thời, với việc bố trí công chức thanh tra vào các chi cục để thực hiện công tác thanh tra theo hình thức thanh tra độc lập, kết hợp với công tác tuần kiểm trên tuyến đã giúp cho việc thực thi pháp luật của đội ngũ công chức thanh tra chuyên ngành đảm bảo thẩm quyền bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Chính vì vậy, nếu muốn thay đổi mô hình hiện tại để quản lý chuyên ngành đường bộ được thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008; Luật Thanh tra 2010; Luật Xây dựng 2014; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước, Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 quy định quản lý sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và rất nhiều thông tư của Bộ Giao thông vận tải (GTVT)...

Theo Bộ GTVT, đánh giá tác động sơ bộ của đề án phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng cho địa phương cho thấy, nếu thay đổi không áp dụng mô hình hiện tại, hệ thống quốc lộ sẽ bị cắt khúc và giao cho các sở GTVT địa phương quản lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất về đầu tư, duy tu bảo dưỡng, khai thác của hệ thống quốc lộ, dẫn đến chất lượng kết cấu hạ tầng khác nhau qua mỗi địa phương, ảnh hưởng đến công tác khai thác quốc lộ, tổ chức bộ máy thuộc sở GTVT các địa phương sẽ yêu cầu bị phình to...

Mô hình theo kịp sự phát triển quốc tế

Nhìn ra thế giới, đơn cử như tại Nhật Bản, quốc gia phát triển có hệ thống giao thông đứng đầu trên thế giới bao gồm hệ thống đường sắt, đường bộ, đường không và hàng hải. Riêng hệ thống đường bộ có tổng chiều dài 1.210.000km chia làm 4 loại hình bao gồm: 7.802km đường cao tốc; 54.981 km quốc lộ; 129.366 km tỉnh lộ và 1.018.100 km đường đô thị (số liệu năm 2012). Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của Nhật Bản là Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch (MLIT). Quốc lộ do MLIT quản lý, đường cao tốc do nhà đầu tư quản lý và tỉnh lộ và đường đô thị do chính quyền địa phương quản lý. MLIT có 13 cục, trong đó có cục đường bộ là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước; có 8 cục khu vực quản lý đường bộ theo vùng địa lý, dưới 8 cục khu vực là 30 văn phòng điều hành và xây dựng đường bộ.

Còn cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của Hàn Quốc là Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông (MOLIT). Quốc lộ do MOLIT quản lý, đường cao tốc do nhà đầu tư quản lý, tỉnh lộ và đường đô thị do chính quyền địa phương, đô thị quản lý. MOLIT có 8 cục, trong đó có cục đường bộ là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước, có 18 văn phòng quản lý quốc lộ, mỗi văn phòng có 9 chi nhánh bố trí theo khu vực quản lý.

Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của Thái Lan là Bộ Giao thông vận tải (MOT), có 8 cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và 15 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Các cơ quan thuộc MOT có liên quan đến lĩnh vực đường bộ gồm: (1) Cục Đường bộ Thái Lan; (2) Cục Vận tải mặt đất Thái Lan; (3) Cục Đường giao thông nông thôn, trong đó quốc lộ và đường cao tốc liên tỉnh do cục đường bộ quản lý; đường địa phương do cục đường giao thông nông thôn quản lý; đường đô thị do chính quyền địa phương và đô thị quản lý; đường cao tốc đô thị có thu phí do cục quản lý đường cao tốc quản lý. Tham khảo các mô hình trên, với mô hình tổ chức của Tổng cục ĐBVN hiện tại là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quản lý đường bộ được chia thành nhiều hệ thống


Tại các quốc gia rất phát triển về hạ tầng trên đều có điểm chung nhất là trong tổ chức quản lý đường bộ có mạng lưới đường bộ được chia thành nhiều hệ thống, trong đó: Trung ương quản lý hệ thống quốc lộ, chính quyền địa phương và chính quyền đô thị quản lý đường địa phương và đường đô thị. Cơ quan quản lý đường bộ của trung ương (Cục Đường bộ) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, được tổ chức tập trung, có các cơ quan trực thuộc đóng theo vùng, lãnh thổ và đến tận cơ sở để thực thi quản lý nhà nước và công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam