Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

09:54 | 27/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trong khi Chính phủ ngày đêm lo chống dịch Covid-19, một mối lo không kém đối với Bộ Tài chính đó là tìm nguồn để đảm bảo chi phòng, chống dịch hiệu quả.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương trình Thủ tướng thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đây là quỹ của trách nhiệm, lòng nhân ái, cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách để mua và sản xuất vắc-xin cho người dân, sớm để đất nước trở về “trạng thái bình thường cũ”.

Ưu tiên mọi nguồn lực chi phòng, chống dịch

Việc chi cho phòng, chống dịch Covid-19 được Chính phủ hết sức quan tâm. Trong các chỉ đạo gần đây, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn lực hợp pháp khác, bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ước tính cho đến nay, Bộ Tài chính đã chi 4.650 tỷ đồng và tính từ năm 2020 đến nay đã chi 21.500 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Chính phủ đã tiết kiệm chi, tập trung kinh phí chống dịch, kinh phí mua vắc-xin tiêm cho dân. Linh hoạt trong điều hành, để tập trung nguồn lực chi phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020; thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Ngân sách đã chi 21.500 tỷ đồng cho phòng, chống dịch

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ước tính cho đến nay, Bộ Tài chính đã chi 4.650 tỷ đồng và tính từ năm 2020 đến nay đã chi 21.500 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Bộ Tài chính cũng đã trình các phương án tiết kiệm chi và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng chi đầu tư phát triển và giảm bội chi NSNN năm 2021. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.

Cùng với việc đảm bảo nguồn chi cho phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã kịp thời tháo gỡ về cơ chế cho địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị phòng dịch. Đây là tháo gỡ quan trọng về mặt chính sách, tránh xảy ra sai phạm, hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp làm đúng quy định, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong thực hiện.

Kỳ tích của lòng dân

Nhận thấy cần nguồn lực rất lớn để mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đến nay, Quỹ đã huy động được trên 8,5 nghìn tỷ đồng, là quỹ của trách nhiệm, lòng nhân ái, đã cùng với kinh phí bố trí từ NSNN, tổng nguồn lực để thực hiện mua vắc-xin khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, đảm bảo mua đủ 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số cả nước.

Hẳn chúng ta không thể quên những hình ảnh xúc động ở buổi ra mắt quỹ, từ em học sinh, cụ già đã nghỉ hưu, người bác sĩ và đại diện nhiều doanh nghiệp, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, quan trọng hơn cả là họ gửi gắm đến Chính phủ niềm tin, sức mạnh đoàn kết để làm nên chiến thắng đại dịch.

Hình ảnh bé gái đập lợn đất nuôi 3 năm, cụ ông 97 tuổi gửi đến quỹ một nửa tiền tiết kiệm của mình, anh thanh niên giấu tên chạy xe grab bike gửi quỹ một ngày công, những doanh nghiệp đang lao đao vì dịch bệnh cũng đã dành nguồn tiền để ủng hộ cho quỹ … đã truyền thông điệp cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Có biết bao những tấm gương như thế, sau lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bài phát biểu đầy xúc động của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đã nghẹn lời, rơi nước mắt khi cho rằng, đây là quỹ của lòng nhân ái, của trái tim kết nối trái tim, để làm nên một Việt Nam chiến thắng, làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong đại dịch này.

Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đó là "kỳ tích của lòng dân". Chỉ ngay trong buổi tối ra mắt quỹ, đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong cuộc chiến với Covid-19, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Nhưng kinh phí mua vắc-xin rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Do đó, việc thành lập quỹ không chỉ có ý nghĩa tăng cường nguồn lực để có vắc-xin tiêm cho toàn dân, mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của người dân với cộng đồng, với đất nước.

Niềm tin là vắc-xin vô hình giúp chiến thắng đại dịch

Những ngày này, đọc các câu chuyện tản mạn gần xa mà không khỏi rơi nước mắt. Câu chuyện về chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch: “Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa” kể về người bác sĩ vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân. Người bác sĩ ấy có đồng nghiệp, mẹ vừa qua đời đêm qua. Hiện hai vợ chồng đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng đang trĩu nặng, lại nhận được tin có bệnh nhân Covid-19 có diễn biến mới, cần thăm khám luôn…

Lời tâm sự nhói lòng ấy của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mở ra một câu chuyện khiến không ít người trào nước mắt. Những bác sĩ, họ phải xa con cái, xa người thân yêu, bỏ lại sau lưng bố mẹ già yếu ốm đau, không thể kề bên chào tạm biệt lần cuối. Những hy sinh lớn lao ấy của những chiến sĩ áo trắng thật khó có gì có thể đo đếm được.

Muốn chiến thắng được đại dịch mỗi người dân cần chung tay, đặt niềm tin vào Chính phủ. Chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo cũng là cùng đoàn kết phòng chống dịch, để không còn phải đau lòng khi đọc những câu chuyện như thế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn sát cánh, đồng hành cùng nhân dân, vì sức khỏe của nhân dân. Trên tinh thần, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch và mục tiêu ưu tiên cao nhất lúc này là tập trung kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để chúng ta trở về trạng thái bình thường, phát triển kinh tế - xã hội.

Giữa lúc “cuộc chiến” với dịch bệnh trở nên cam go, lại có rất nhiều những hình ảnh đẹp về sự hy sinh, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào càng khiến cho niềm tin trở nên mạnh mẽ.

Niềm tin là liều vắc-xin vô hình, nhưng sẽ quyết định chúng ta phải hành động để chiến thắng bệnh tật. Tinh thần “tương thân tương ái”, nghĩa đồng bào, truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chưa khi nào lại lan tỏa mạnh mẽ, ấm áp như thế.

Chung tay chống dịch, gửi gắm tiền vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 để Chính phủ lo cho dân, cũng chính là gửi gắm niềm tin. Quỹ là nơi hội tụ của lòng nhân ái như thế. Nhắc đến điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân. Ông nói: “Sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào quỹ sẽ tiếp tục được lan tỏa, cùng NSNN tạo nên nguồn lực tài chính lớn mạnh để có đủ kinh phí mua số lượng vắc-xin cho toàn dân, giúp chúng ta vượt qua đại dịch”.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam