Khơi thông điểm nghẽn thể chế

09:17 | 27/08/2021 Print
(TBTCVN) - Nói đến tháo gỡ về mặt thể chế để tạo động lực cho sự phát triển, những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất đó là “quan trọng”, “cấp bách” “khâu đột phá”, “mũi nhọn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kinh nghiệm hơn 35 năm qua cho thấy, nếu không nhận diện đúng và đổi mới thể chế thì không thể đi nhanh và xa, hội nhập cùng với thế giới. Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết để doanh nghiệp có môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thông thoáng và cạnh tranh lành mạnh.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó đột phá về thể chế là khâu đầu tiên và quan trọng nhất. Đến thời điểm này, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đột phá về thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ kế thừa những thành quả từ các nhiệm kỳ trước mà còn có chỉ đạo rất quyết liệt.

Ngay trong bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc ưu tiên chủ động phát hiện, tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn làm trì trệ nền kinh tế. Tại kỳ họp thứ nhất của Chính phủ sau khi kiện toàn, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các bộ, ngành, địa phương lập tức rà soát, hoàn thiện thể chế. Dư luận đánh giá, đây là điểm sáng nhất khi bắt đầu vào công việc của Chính phủ. Mới đây, trong ngày chủ nhật cuối tuần, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng, hoàn thiện thể chế. Ở bất kỳ cuộc làm việc nào, Thủ tướng đều nhấn mạnh “phải và hoàn thiện ngay thể chế”.

“Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”, các quy định dù có làm kỹ bao nhiêu cũng không thể phủ hết được góc cạnh của thực tiễn, do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc rà soát vướng mắc, bất cập trong các quy định. Nếu vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có nhưng bị thực tiễn vượt qua, thì cần sửa đổi, bổ sung.

Qua rà soát, những vướng mắc liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng và 135 thông tư, là con số rất thách thức đối với Chính phủ.

Ngay sau cuộc họp với các bộ, ngành rà soát về thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ để sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Để phù hợp với tình hình cấp bách hiện nay, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, cần khắc phục ngay.

Nếu đã bị “nghẽn”, bị “tắc” như “cục máu đông” thì đương nhiên sẽ cản trở toàn bộ hoạt động và việc cứu chữa phải là nhiệm vụ cấp bách. Với số lượng khổng lồ các văn bản như trên, khó có thể thực hiện được cùng lúc. Nhưng đã là cần kíp, cấp bách, phải có cách làm đặc biệt, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu, không được nề hà, không ngại va chạm, ngại trách nhiệm, nhất là trong xây dựng thể chế mới, phải được rà soát, cắt bỏ các quy định có thể là điểm nghẽn tương lai.

Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, là bộ đa ngành, đa lĩnh vực số lượng cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ rất lớn. Bộ trình Quốc hội ban hành 2 luật, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định để thực hiện cắt giảm và đơn giản hoá 163 điều kiện (bao gồm cắt giảm 73 điều kiện và đơn giản hoá 90 điều kiện) thuộc 20 ngành nghề kinh doanh, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 299 điều kiện (từ giai đoạn 2018 đến nay đã giảm 71 điều kiện).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay thời điểm nhậm chức, ông đã truyền đi thông điệp, cần đột phá, đổi mới về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước, coi đó là một trong những trụ cột để tạo đà phát triển. Ông nhấn mạnh, chỉ có đột phá về thể chế mới có thể làm cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư giàu mạnh lên, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Đột phá về thể chế là con đường ngắn nhất để phát triển nhanh và bền vững. Nỗ lực hoàn thiện thể chế để giúp doanh nghiệp cất cánh đã khó rồi, thì trong thực hiện cũng là một thách thức không nhỏ, tránh trống đánh xuôi kèn thổi ngược cũng là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý.

Vĩnh Hà

Vĩnh Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam