Sản xuất, sử dụng phân bón hợp lý, minh bạch hướng tới nền nông nghiệp bền vững

16:46 | 27/08/2021 Print
Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng cao hơn 42% so với trung bình cả nước; lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng cao hơn khoảng 39,46%. Vấn nạn này gây nhiều thiệt hại cho nông dân nói riêng và nền nông nghiệp nói chung.

Hà Nội

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 27/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Việt Nam có 24.491 sản phẩm phân bón được lưu hành

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 24.491 sản phẩm phân bón được lưu hành và 4.021 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng. Riêng số lượng các sản phẩm phân bón lưu hành tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 21,5% và số lượng tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật chiếm 31,24%.

ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Các địa phương sử dụng phân bón nhiều gồm: Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình là 6,27 kg/ha gieo trồng, cao hơn so với trung bình cả nước khoảng 39,46%; riêng lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng cao hơn 71,9%.

Hiện nay, cả nước có khoảng 32.032 cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán sản phẩm này. Trong đó, phân bố nhiều nhất vẫn là các tỉnh ĐBSCL với 10.542 cơ sở (chiếm 32,91% cả nước).

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có số cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất cả nước, với 52/85 doanh nghiệp, chiếm 61,18%.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong những năm gần đây lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đã giảm dần qua các năm; đồng thời, lượng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng. Tuy nhiên, cả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại ĐBSCL đều cao hơn trung bình cả nước.

Lượng phân bón hữu cơ trung bình ở khu vực này được sử dụng chỉ bằng 27,4% so với trung bình cả nước. Hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng kỹ thuật còn cao dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, dịch hại kháng thuốc, giảm hiệu quả phòng trừ...

Sản xuất có trách nhiệm

Để tiết giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đại diện Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, cần tổ chức tập huấn cho cả nông dân và đại lý về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Hiệp hội này đề xuất, thuốc bảo vệ thực vật sinh học là xu hướng tất yếu nên các chính sách khuyến kích sử dụng cần ưu tiên và cụ thể hơn. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cắt giảm các điều kiện trong việc công nhận thuốc bảo vệ thực vật sinh học...; đồng thời, bổ sung các chính sách hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân với mức từ 30 - 40%. Ngoài ra, việc nghiên cứu các sản phẩm phải có trọng điểm, tránh tràn lan rồi sản phẩm không đưa được vào ứng dụng.

Ghi nhận phản ánh của các nhà quản lý và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, ĐBSCL còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động từ mỗi người để chuyển biến nền nông nghiệp nơi đây theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông cũng đã nhận được nhiều nhắn gửi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người nông dân ở ĐBSCL về nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là chất lượng nông sản, thực trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL. Theo Bộ trưởng Hoan, tư duy sản xuất hàng hóa lớn thường là tư duy về số lượng. Nhưng khi chuyển sang tư duy kinh tế, còn một tham số rất lớn quyết định thu nhập của nông dân là chi phí vật tư đầu vào và giá trị chất lượng nông sản. Cả đầu vào và đầu ra cần tiếp cận mô hình mới, hướng đi mới.

Nhấn mạnh về trách nhiệm, Bộ trưởng cương quyết, chúng ta sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng chính xác, không lạm dụng và cần phải trách nhiệm với cả người tiêu dùng và người nông dân, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Làm sao hoạt động nông nghiệp sử dụng phân thuốc ít, không tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, để chúng ta còn chuyển giao cho mai sau.

"Sản xuất nông nghiệp phải minh bạch, tức là mọi điều đều phải công khai, sáng tỏ từ việc sử dụng phân, thuốc để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng."- Bộ trưởng yêu cầu./.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam