Việt Nam trúng cử thành viên POC - UPU nhiệm kỳ 2022-2025

20:52 | 27/08/2021 Print
Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính (POC) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022 - 2025. Việc các nước tín nhiệm bầu Việt Nam vào vị trí này khẳng định vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế của Việt Nam.

upu

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai- Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bỏ phiếu bầu cử tại đại hội. Ảnh: BNG

Bộ Ngoại giao cho biết, tại cuộc bầu cử diễn ra trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 27 của UPU, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính của UPU nhiệm kỳ 2022 - 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí này.

Đại hội lần thứ 27 của UPU được tổ chức từ ngày 9 - 27/8/2021 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà). Tại đại hội, các nước bầu tổng số 40 thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính.

Đây là cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, khu vực địa lý trong đó có Việt Nam là khu vực Nam Á và châu Úc, luôn là khu vực cạnh tranh gay gắt nhất trong các cuộc bầu cử tại UPU. Năm nay, có tới 20 nước đăng ký ứng cử cho 11 vị trí dành cho khu vực.

Thành công của Việt Nam là bước triển khai cụ thể chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, nâng tầm và đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Khai thác bưu chính của UPU một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác đa phương về các vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Việc các nước tín nhiệm bầu Việt Nam vào Hội đồng Khai thác bưu chính UPU còn khẳng định vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế của Việt Nam.

Thành công này cũng thể hiện nỗ lực to lớn của ngành Bưu chính Việt Nam. Bưu chính Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của UPU từ nhiều năm qua, tạo được uy tín và sự tin cậy cao đối với các nước thành viên.

Đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU là dịp để Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của hội đồng, đó là hỗ trợ bưu chính các nước hiện đại hóa và nâng cấp các dịch vụ và sản phẩm bưu chính. Đây còn là cơ hội tốt để Bưu chính Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên UPU, qua đó thúc đẩy các dự án hợp tác để cải tiến tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ bưu chính trong nước.

Liên minh Bưu chính Thế giới được thành lập năm 1874, có trụ sở tại thành phố Bern (Thụy Sĩ), hiện gồm 192 quốc gia thành viên. Mục tiêu của UPU là hỗ trợ bảo đảm một mạng lưới toàn cầu sản phẩm và dịch vụ bưu chính hiện đại nhất.

Đại hội UPU là cơ quan cao nhất của UPU, được triệu tập 4 năm một lần, nội dung chính là định hình tương lai của lĩnh vực bưu chính, xem xét và thông qua chiến lược và kế hoạch bưu chính thế giới trong các năm tiếp theo. Hội đồng Khai thác bưu chính là cơ quan xem xét các khía cạnh thương mại, kinh tế và vận hành của bưu chính thế giới; đưa ra khuyến nghị về tiêu chuẩn của các tiến trình công nghệ và vận hành. Vai trò của Hội đồng Khai thác bưu chính càng quan trọng khi nhu cầu dịch vụ bưu chính gia tăng trong bối cảnh thương mại điện tử và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới cũng như để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19.


Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam