Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin cho năm học mới

13:28 | 28/08/2021 Print
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có hướng dẫn để có chương trình dạy và học. Lãnh đạo địa phương phải hết sức hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn để đảm bảo sự công bằng trong học tập, để không ai bị bỏ lại phía sau, không để học sinh thất học.

tong ket

Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021. Ảnh: TTTTGD

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra ngày 28/8/2021.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học…

Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ

Phát biểu hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2020-2021 là năm toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện GDĐT. Đây cũng là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước, Bộ GDĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên..

Trình bày báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Các địa phương đều đã chủ động điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá (trong đó, một số Sở GDĐT đã hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến), hoàn thành kế hoạch năm học 2020 - 2021.

“Có thể khẳng định, mặc dù chịu tác động sâu rộng của dịch Covid-19 nhưng toàn ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong năm học 2020 -2021, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Bộ GDĐT cũng chỉ ra những khó khăn hạn chế, trong đó còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học chưa được quy hoạch tổng thể và lâu dài, thiếu khả năng liên kết vùng để tạo sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương.

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.

An toàn trường học, gắn với tiêm vắc-xin

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho hay được trở lại trường học là mong nước của mọi học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường. Vì thế, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới, bảo đảm an toàn trường học, gắn với tiêm vắc-xin. Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em; dựa trên căn cứ khoa học và độ tuổi tiêm vắc-xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm cho phù hợp.

"Với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vắc-xin và chúng ta sớm tiếp cận vấn đề này như làm việc sớm với các hãng, thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có loại vắc-xin phòng chống dịch cho các cháu trong thời gian sớm nhất."- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng giao Bộ GDĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vắc-xin có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác.

Đối với giáo viên, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà soát lại, nếu nơi nào thiếu vắc-xin cho giáo viên sẽ được bổ sung để sớm tổ chức tiêm khi bước vào năm hoc mới. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, các nhà trường vẫn phải đảm bảo các điều kiện vật chất và tuân thủ nghiêm các giải pháp an toàn chống dịch khác.

“Đối với các địa phương không có dịch, vùng xanh, cần tính toán để học sinh trở lại trường nhưng cần có biện pháp sàng lọc, đảm bảo phòng chống dịch. Với vùng đỏ, vàng, vùng đang diễn biến phức tạp thì giải pháp trước mắt vẫn phải là học trực tuyến. Bộ GDĐT phải có hướng dẫn để có chương trình dạy và học. Lãnh đạo địa phương phải hết sức hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn để đảm bảo sự công bằng trong học tập, để không ai bị bỏ lại phía sau, không để học sinh thất học."- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam