Trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tăng cùng sự phát triển kinh tế và môi trường lãi suất thấp

10:56 | 29/08/2021 Print
Dù tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, những dư địa phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là còn rất lớn và sẽ dần ổn định hơn. Nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu ở mức cao nhờ vào kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế và môi trường lãi suất thấp.

Vẫn là kênh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, quy mô thị trường TPDN tăng mạnh trong những năm gần đây đã đáp ứng một phần cho nhu cầu vốn của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Thị trường TPDN từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp; giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Do vậy, theo VCBS, thị trường TPDN sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, nhờ vào kỳ vọng tăng trưởng đi cùng sự phát triển nền kinh tế và môi trường lãi suất thấp.

TPDN

Theo đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định được duy trì, trong đó tăng trưởng kinh tế được dư báo ở mức khả quan, do đó, nhu cầu huy động vốn là thiết yếu đối với các doanh nghiệp. Thị trường đã chứng kiến số lượng doanh nghiệp cùng số đợt phát hành tăng nhanh trong thời gian qua, là cơ sở để VCBS kỳ vọng TPDN là vẫn kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. “Phát hành trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong tương lai” – các chuyên gia của VCBS nhấn mạnh.

Cùng với đó, về mặt lãi suất, theo dự báo của VCBS, lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 10 - 20 điểm trong nửa sau của năm 2021. Xét từ góc độ vĩ mô thế giới, nỗ lực tiêm phòng vắc-xin trên toàn thế giới vẫn đang được tiến hành. Các quốc gia châu Âu hay Mỹ dù đã mở cửa trở lại, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn khá thận trọng và chưa vội vã xem xét thay đổi các chính sách tiền tệ nới lỏng.

“Với bối cảnh chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn là nới lỏng, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể đi ngang trong thời gian tới. Áp lực tăng nhẹ nếu có, nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lợi suất TPDN sẽ giúp TPDN vẫn là kênh đầu tư khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư” – chuyên gia của VCBS cho hay.

Đối với lãi suất cho vay, các chuyên gia của VCBS cho biết, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tính chung cho cả năm) để hỗ trợ tăng trưởng có thể đạt được khi lãi suất huy động đã giảm trong khoảng 1 năm gần đây. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thông điệp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhất quán là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản.

Chính vì vậy, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm tuy nhiên mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống. “Bối cảnh lãi suất được kỳ vọng tiếp tục giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp là động lực cho doanh nghiệp tái cấu trúc vốn, tận dụng huy động TPDN” – VCBS cho hay.

Dần hướng đến tốc độ tăng trưởng ổn định

Nhận định về tương lai thị trường TPDN, các chuyên gia của VCBS cho rằng, sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới sẽ góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường. Trong ngắn hạn, điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ không còn tăng trưởng quá nóng như 2020. Vì vậy, VCBS đánh giá thị trường sẽ dần hướng đến tốc độ tăng ổn định hơn.

Thị trường TPDN sẽ dần hướng đến tốc độ tăng ổn định. Dư địa giảm cho lợi suất TPDN vẫn còn, song nhu cầu TPDN vẫn luôn hiện hữu ở mức cao.

Theo báo cáo hoạt động gần nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Kèm theo đó, mức giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng cũng là tiêu chí xét tăng trưởng tín dụng.

“Tăng trưởng tín dụng năm 2021 duy trì ở mức 11% - 13%. Việc tiếp cận vốn với mức lãi suất sẽ không dàn trải với tất cả các ngành nghề và doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn cần phát hành trái phiếu, để chủ động tiếp cận nguồn vốn với kế hoạch kinh doanh và các dự án” – chuyên gia của VCBS nhận định.

Nhìn về mặt bằng lãi suất, dựa trên nền tảng kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2021, các chuyên gia này cho rằng, lợi suất TPDN nhiều khả năng sẽ diễn biến đồng pha với xu hướng giảm. Tuy nhiên, dư địa giảm sẽ khá ít khi lãi suất đã giảm tương đối trước đó.

“Có thể thấy các nhóm trái phiếu bất động sản, trái phiếu các tổ chức tín dụng hay trái phiếu ngành năng lượng đều có phân khúc riêng với nhu cầu và khẩu vị phù hợp với từng nhóm đối tượng nhà đầu tư. Do đó, đây vẫn sẽ là nhóm tiếp tục có khả năng phát hành thành công cao trong giai đoạn tiếp theo” – chuyên gia VCBS dự báo.

Về phía cầu, VCBS cho rằng, nhu cầu đầu tư trái phiếu vẫn luôn hiện hữu ở mức cao khi tỷ suất sinh lời đối với kênh đầu tư này so với các kênh khác vẫn khá hấp dẫn./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam