Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tích hợp hải quan thông minh

15:38 | 29/08/2021 Print
(TBTCVN) - Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan hiện đang được cơ quan hải quan khẩn trương hoàn thiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính để kịp trình Chính phủ trong tháng 9/2021.

Đồ họa: Hồng Vân

Đồ họa: Hồng Vân

Nghị định sửa đổi bổ sung sẽ theo hướng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, điện tử hóa toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu, tích hợp hải quan thông minh, tạo thuận lợi thương mại.

Đáp ứng phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo Tổng cục Hải quan, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP (Nghị định 08) vào thời điểm hiện nay là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan phù hợp với văn bản nội luật mới được Quốc hội, Chính phủ ban hành, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, qua 6 năm thực hiện Nghị định 08 phát sinh vướng mắc không phù hợp với tình hình hiện nay khi hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng nhanh. Cùng với đó, quản lý của cơ quan hải quan phát triển dựa trên nền tảng điện tử, hướng đến hải quan số, đặc biệt là một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, như Luật Quản lý thuế, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Với yêu cầu khách quan từ thực tế nêu trên, dự thảo Nghị định 08 sửa đổi đang được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với nội luật vừa được Quốc hội và Chính phủ ban hành, trong đó tập trung vào việc đơn giản thủ tục hành chính, quy định về khai và nộp hồ sơ hải quan, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan, chương trình DN ưu tiên, công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan, các quy định liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành… Đồng thời, Nghị định 08 sửa đổi cũng đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã mở rộng tham gia ký kết một số FTA thế hệ mới (như EVFTA, CPTPP…) với cam kết hội nhập sâu rộng vào các hoạt động thương mại.

Điện tử hóa toàn diện hoạt động hải quan

Cũng theo ông Đào Duy Tám, điểm mới, nổi bật của dự thảo Nghị định 08 sửa đổi là sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tất cả các thủ tục hành chính hải quan đều được điện tử hóa trên cơ sở ứng dụng hải quan thông minh.

Khi đó hoạt động khai và nộp hồ sơ hải quan, toàn bộ sẽ được thực hiện trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử. Các dữ liệu do người khai hải quan gửi qua hệ thống sẽ được số hóa hoặc chuyển đổi sang dạng dữ liệu điện tử, các chứng từ đã được cấp trên hệ thống một cửa quốc gia sẽ không yêu cầu người khai phải nộp, hệ thống sẽ tự động kết nối lấy các thông tin từ hệ thống một cửa quốc gia để phục vụ việc khai của người khai hải quan cũng như việc kiểm tra của cơ quan hải quan.

Hơn nữa, dự thảo Nghị định 08 sửa đổi cũng quy định các nội dung theo hướng tạo thuận lợi cho người khai hải quan và đáp ứng các yêu cầu quản lý. Cụ thể, về hồ sơ hải quan, dự thảo nghị định đưa ra cơ sở pháp lý sử dụng các dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu số hóa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; không yêu cầu DN phải nộp các chứng từ đã cấp trên hệ thống một cửa quốc gia hoặc hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Tạo thuận lợi thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo phát hiện, xử lý vi phạm, nghị định mới cũng tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối hình ảnh của các máy móc, trang thiết bị như: máy soi, camera giám sát, seal định vị, các thiết bị phục vụ kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử để có thể tự động phân tích thông tin, hình ảnh phục vụ công tác kiểm tra thực tế hàng hóa, công tác giám sát hải quan.

Năm 2025, Hải quan Việt Nam đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Tổng cục Hải quan ưu tiên, tập trung thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTC (ngày 26/1/2021) của Bộ Tài chính về việc phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số và hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh, nhằm đưa Hải quan Việt Nam trở thành một trong những tổ chức hải quan hiện đại, đáp ứng được các xu hướng và theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo ứng dụng đầy đủ thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phấn đấu đến năm 2025, Hải quan Việt Nam đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành; quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu từ khâu đầu đến khâu cuối.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam