Miền Nam trong trái tim cả nước

14:32 | 29/08/2021 Print
(TBTCVN) - Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, không ai nghĩ ở thời bình như bây giờ, tinh thần cả nước “chia lửa” với miền Nam, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong thời kháng chiến kiến quốc lại sáng lên lần nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trở thành tâm dịch với số ca nhiễm lớn và không ngừng tăng lên. Ngay khi tình hình dịch trở nên căng thẳng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để xử lý, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ là dành tất cả những gì tốt nhất giúp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chiến thắng dịch bệnh, bởi “không có gì quý hơn sức khỏe của nhân dân”.

Cùng với lực lượng bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hàng nghìn chiến sĩ bộ đội, công an, lực lượng cảnh sát cơ động lên đường vào miền Nam đã làm thổn thức bao trái tim người dân đất Việt. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tất cả vì miền Nam thân yêu”, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong đoàn quân ấy, còn có cả những “bóng hồng” xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Với kẻ thù vô hình nhưng cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng, khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.

“Chia lửa” với miền Nam, từng đoàn xe nối dài từ mọi miền vẫn tiến vào vùng dịch. Những câu chuyện xúc động vẫn chưa ngừng lại khi người dân của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng biết bà con miền Nam thích ăn cay nên đã gom ớt ở nhiều nơi về, cùng với hơn 200 tấn rau xanh gửi TP. Hồ Chí Minh. Người dân miền Trung dù liên tục trải qua thiên tai, mưa lũ, cuộc sống vẫn chưa ổn định, nhưng khi dịch bệnh tràn về, đã gom góp cá khô, khoai, sắn, từng trái bầu, trái mướp… gửi đến đồng bào miền Nam. Còn người dân Hà Nội dù đang thực hiện giãn cách xã hội, cũng đã tặng hàng nghìn tấn gạo cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương; những “chuyến xe nghĩa tình” của Thủ đô đã tiến về phía Nam. Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” với trị giá khoảng 300 tỷ đồng cũng vừa được khởi động...

Tuần qua, hình ảnh siêu dễ thương nhưng cũng làm cay khóe mắt mỗi người chính là những anh bộ đội trẻ “đi chợ hộ” trong siêu thị; người chiến sĩ công an ngồi trên nền đất dò danh bạ, địa chỉ để phân chia thực phẩm cho dân; trong cái nắng gắt hay cơn mưa bất chợt, những bóng áo xanh vẫn miết mải đưa thực phẩm đến cho từng hộ dân... Còn có biết bao những con người âm thầm, đang ngày đêm hỗ trợ các lực lượng chống dịch, hỗ trợ những cảnh đời khốn khó bởi dịch bệnh. Không thể kể hết những tấm lòng, trái tim nhân ái khi hướng về miền Nam lúc này.

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo chống dịch từng giờ, từng ngày. Lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã có cuộc họp nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Từ đó, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai kịp thời các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Trong những ngày hết sức căng thẳng này, nhiều đoàn công tác do các phó thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã tới các địa phương. Đi kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cho dân, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt yêu cầu địa phương “đảm bảo an sinh cũng là chống dịch”.

Đẩy mạnh “ngoại giao vắc-xin”, tìm nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho dân cũng là một vấn đề rất quan trọng, cùng với chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc điện đàm, gửi thư tới lãnh đạo một số nước, bàn về quan hệ song phương và hợp tác phòng chống dịch, để thêm nguồn hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam chống dịch. Đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh đã có gần 80% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin, nhưng vẫn cần một số lượng lớn để tiêm phòng cho toàn dân.

Cả nước “ôm” miền Nam vào lòng. Miền Nam luôn trong trái tim cả nước. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đó sẽ là con đường ngắn nhất để chúng ta vượt lên khó khăn, chiến thắng “giặc” Covid-19.

Vĩnh Hà

Vĩnh Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam