Đáp ứng yêu cầu chống dịch trong điều kiện giãn cách

15:30 | 29/08/2021 Print
(TBTCVN) - Làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiệm vụ công việc có tính chất đặc thù, hệ thống kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố phía Nam luôn chủ động, bám sát diễn biến dịch bệnh, phối hợp cùng các địa phương đáp ứng tốt yêu cầu chống dịch trong mọi tình huống.

Phòng làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội tại Kho bạc Nhà nước Bình Dương.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước Bình Dương làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội. Ảnh: Gia Cư

TP. Hồ Chí Minh: Ưu tiên hàng đầu chi tiền hỗ trợ chống dịch

Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải cho biết, cùng thời điểm TP. Hồ Chí Minh nâng cấp độ giãn cách xã hội từ ngày 23/8/2021, đơn vị đã tăng cường một số giải pháp phòng chống dịch song song cùng với nhiệm vụ công tác chuyên môn. Đối với công tác phòng, chống dịch, ưu tiên cho số cán bộ, công chức có tiền sử bệnh nền, phụ nữ có thai, có con nhỏ làm việc tại nhà. 50% cán bộ, công chức được bố trí luân phiên làm việc tại trụ sở chính cũng như tại các quận, huyện. Sau 2 tuần cán bộ luân phiên, đổi ca kíp trực một lần.

Cũng theo ông Hải, do đặc thù khối lượng công tác chuyên môn của KBNN TP. Hồ Chí Minh rất lớn nên đơn vị chủ động duy trì thực hiện “3 tại chỗ”, linh hoạt xử lý công việc, nghiệp vụ thường xuyên và phát sinh. Riêng tại các KBNN các quận, huyện, thành phố hầu hết được bố trí làm việc thêm giờ không kể ngày thứ bảy, chủ nhật. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý kiểm soát các nguồn thu, chi thuần túy, các đơn vị còn phải bám sát nhiệm vụ chi ưu tiên và giám sát các nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của địa phương, phối hợp với các ngân hàng thương mại (ủy nhiệm chi) để giải quyết nhanh, kịp thời các khoản chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Đồng Nai: Không để tồn đọng hồ sơ, chứng từ

Theo Giám đốc KBNN Đồng Nai Phan Đức Ánh, kể từ thời điểm Đồng Nai áp dụng Chỉ thị 16 đến nay, bên cạnh áp dụng “3 tại chỗ”, đảm bảo 50% cán bộ, công chức làm việc luân phiên giải quyết công việc hàng ngày, KBNN Đồng Nai ưu tiên số cán bộ, công chức sinh sống trong “vùng đỏ”, vùng cách ly phong tỏa có nguy cơ lây nhiễm cao được làm việc ở nhà, kiên quyết ngăn ngừa F0 ngay từ cổng, không thể xâm nhập trụ sở cơ quan.

Theo ông Ánh, trong hoạt động nhiệp vụ, đơn vị đã chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương tạm thời chậm lại các khoản chi thường xuyên chưa thật sự cần thiết, ưu tiên tối đa cho phòng, chống dịch, nhất là các khoản chi cấp bách cho tuyến đầu. Để tránh thất thoát các khoản chi cho mua sắm trang thiết bị, lãnh đạo KBNN đề xuất tham gia thành viên tổ tư vấn mua sắm do địa phương thành lập theo yêu cầu cấp thiết để kiểm soát tốt nguồn chi. Tại các đơn vị trực thuộc chủ động bố trí cán bộ làm thêm giờ, làm việc gấp hai lần tần suất công việc trước đó, tuyệt đối không để tồn đọng hồ sơ, chứng từ.

“Trong 3 đợt kể từ đầu mùa dịch, toàn ngành KBNN Đồng Nai quyên góp ủng hộ 109 triệu đồng. Trong đó, ủng hộ Quỹ Vắc-xin 52,5 triệu đồng, ủng hộ theo kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh 47 triệu đồng, ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch địa phương gần 10 triệu đồng” - ông Phan Đức Ánh cho biết.

Bình Dương: 10 cán bộ xung kích tham gia chống dịch

Chánh Văn phòng KBNN Bình Dương Vũ Khắc Anh Việt cho biết, ngay sau lời kêu gọi của Tỉnh ủy Bình Dương về chung tay chống dịch trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, KBNN Bình Dương đã thành lập tổ xung kích chống dịch 10 thành viên do các cán bộ đoàn thanh niên làm nòng cốt, tham gia cùng với địa phương điều phối chống dịch tại “vùng đỏ” Dĩ An và Thuận An. Tại trụ sở chính KBNN tỉnh và các huyện, thị được bố trí 50 - 70% cán bộ trực luân phiên kịp thời giải quyết công việc thường xuyên và đột xuất tùy theo đặc thù và tính chất công việc.

Đối với KBNN các huyện, thị, yêu cầu bám sát tuyệt đối nhiệm vụ chi tiền mặt cho nhu cầu cấp thiết như: hỗ trợ người dân khó khăn, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Theo ông Việt, những ngày qua các đơn vị trực thuộc luôn chủ động bám sát ban chỉ đạo các huyện, thị, bám sát đầu mối tiếp nhận tiền mặt cấp phát trực tiếp, kịp thời cho người dân vùng dịch.

TP. Cần Thơ: Sử dụng triệt để dịch vụ công trực tuyến

Theo lãnh đạo KBNN TP. Cần Thơ, kể từ ngày TP. Cần Thơ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, KBNN thành phố đã chủ động thống nhất đưa ra nhiều phương án làm việc hiệu quả, mục tiêu là phải đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, không để chậm trễ, sai sót trong hoạt động nghiệp vụ.

Do vậy, bên cạnh việc cử 1/3 số lượng cán bộ chuyên môn trực làm việc luân phiên, KBNN TP. Cần Thơ đã chọn phương án khai thác triệt để mạng lưới dịch vụ công trực tuyến được kết nối liên thông đến tận cơ sở. Quá trình thực hiện, vận hành không để xảy ra sự cố phát sinh, ách tắc khâu nào. Đặc biệt đã hạn chế tối đa việc giao dịch hồ sơ chứng từ bằng giấy. Cùng thời điểm này KBNN TP. Cần Thơ cũng dành phần lớn nhân vật lực ưu tiên tối đa cho hoạt động cấp tiền mặt và giám sát nguồn chi tiền mặt trong hoạt động chống dịch, nhất là nơi tuyến đầu.

Giải quyết kịp thời các khoản chi hỗ trợ cho người dân

Do đặc thù khối lượng công tác chuyên môn của Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh rất lớn nên đơn vị chủ động duy trì thực hiện “3 tại chỗ”, linh hoạt xử lý công việc, nghiệp vụ thường xuyên và phát sinh. Riêng tại các KBNN các quận, huyện, thành phố hầu hết được bố trí làm việc thêm giờ không kể ngày thứ bảy, chủ nhật. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý kiểm soát các nguồn thu, chi thuần túy, các đơn vị còn phải bám sát nhiệm vụ chi ưu tiên và giám sát các nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của chính quyền địa phương, phối hợp với các ngân hàng thương mại (ủy nhiệm chi) để giải quyết nhanh, kịp thời các khoản chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam