Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Việt Nam

19:17 | 27/08/2021 Print
(TBTCVN) - Trong hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới mà Việt Nam có quan hệ buôn bán, Trung Quốc là thị trường lớn nhất về tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu.

15

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 7 tháng 2021 là 28,55 tỷ USD chiếm 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất cao

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc trong 7 tháng năm đầu năm nay chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu của Việt Nam, đứng thứ nhất trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có quan hệ buôn bán với Việt Nam, lớn hơn các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu với Trung Quốc tăng 40,5%, cao hơn nhiều tốc độ tăng chung (30,9%), cũng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của nhiều thị trường khác.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 7 tháng 2021 là 28,55 tỷ USD chiếm 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ (53,96 tỷ USD), vượt xa các thị trường khác như Hàn Quốc (12,15 tỷ USD), Nhật Bản (11,83 tỷ USD,…). Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cùng mặt hàng xuất khẩu của cả nước, như rau hoa quả, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, quặng và khoáng sản khác, cao su,…

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng 23,5% nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (26,2%) và cao hơn tốc độ tăng tương ứng của nhiều thị trường khác. Điều đó vừa thể hiện vai trò của thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, vừa cảnh báo đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam không nên “bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro khi có sự biến động của thị trường nước này, cả về cơ chế chính sách, nhu cầu, giá cả, dịch bệnh…

Nhập khẩu quy mô ngày càng lớn

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam 7 tháng năm nay đạt 62,87 tỷ USD, chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, đứng thứ nhất trong các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu, vượt xa so với các thị trường đứng sau như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Thái Lan, Malaixia,…

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 49,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (35,8%) tương ứng của nhiều thị trường khác. Số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều, trong đó có 42 mặt hàng chủ yếu. Các mặt hàng này được so sánh theo một số mặt.

Theo quy mô, mới qua 7 tháng năm 2021 đã có 35 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 12 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (gần 14,5 tỷ USD), tiếp đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (hơn 11,5 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (hơn 4,9 tỷ USD), vải (gần 5,4 tỷ USD). Một số mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch mặt hàng cùng loại của cả nước như rau hoa quả, hóa chất, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dược phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, sản phẩm chất dẻo, giấy và sản phẩm từ giấy, điện gia dụng, điện thoại và linh kiện, linh kiện ô tô,…

Nhập khẩu từ Trung Quốc có một số điểm đáng lưu ý. Trong đó, đây là thị trường có quy mô lớn và có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước rất cao. Nếu kể cả nhập khẩu tiểu ngạch thì quy mô còn lớn hơn nữa (trước đây Tổng cục Thống kê đã có cuộc điều tra, quy mô nhập khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 10 - 11% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc).

Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, có không ít mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam, góp phần gia tăng mặt hàng, thu nhập cho những nhà sản xuất, những người kinh doanh xuất khẩu những mặt hàng này; nhưng khi gặp trục trặc ở thị trường Trung Quốc, thì sẽ gặp tình trạng “được mùa mất giá”, phải “giải cứu”,…

Ngược lại, trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, có không ít mặt hàng chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; các máy móc thiết bị không phải là kỹ thuật - công nghệ nguồn, thậm chí là những thứ được thải loại, thay thế trong quá trình hiện đại hóa; một số mặt hàng mà Trung Quốc không trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ được (do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) nên xuất khẩu sang Việt Nam “tiêu thụ giùm, xuất khẩu hộ”...

Nhập siêu lớn và liên tục tăng


Trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn và liên tục tăng. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 7 tháng năm nay lên đến 34,32 tỷ USD, lớn nhất trong các thị trường mà Việt Nam nhập siêu (Hàn Quốc 17,92 tỷ USD, Đài Loan 9,34 tỷ USD,…) và tăng tới 15,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 120,2%.
Đáng chú ý, mức nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay (34,32 tỷ USD) là rất cao nếu so với nhập siêu của cả năm 2017 là 23,19 tỷ USD, năm 2018 là 24,15 tỷ USD, năm 2019 là 34,01 tỷ USD và năm 2020 là 35,28 tỷ USD.

Phương Dung

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam