Bài 4: “Chính sách tài khóa giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”

14:56 | 29/08/2021 Print
(TBTCO) - Theo Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco, chính sách tài khóa Chính phủ đưa ra trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tốt về vĩ mô, giúp giữ vững sự ổn định và ngăn chặn sự suy thoái nền kinh tế.
Đồ họa: Hồng Vân
Đồ họa: Hồng Vân
Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

PV: Các chính sách hỗ trợ về tài khoá của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân trước những tác động của dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các gói hỗ trợ này?

Luật sư Hà Huy Phong

Luật sư Hà Huy Phong

Luật sư Hà Huy Phong: Với hai trụ cột trong chính sách tài khóa mà Chính phủ đưa ra thời gian qua là chính sách thuế và đầu tư công thì chính sách thuế có phần thể hiện sự vượt trội và chứng minh hiệu quả hơn khá nhiều. Chính sách đầu tư công mặc dù được Chính phủ mới rất quyết liệt nhưng vì tình hình dịch bệnh, các yêu cầu về giãn cách xã hội… nên chưa tạo ra những hiệu quả thực sự rõ nét với nền kinh tế. Tôi cho rằng, chính sách thuế vượt trội cũng bởi khả năng cấp cứu, khả năng bổ dưỡng của nó đối với nền kinh tế và đặc biệt phù hợp ở thời điểm nền kinh tế rơi vào trình trạng phòng thủ như hiện nay.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ và thiếu quan tâm tới việc triển khai chính sách đầu tư công. Đầu tư công lúc này và trong thời gian tới sẽ trở thành nguồn vốn đầu tư có tính hạt nhân trong nền kinh tế, là lượng máu bơm vào một cơ thể đang trong giai đoạn cần tiếp máu. Trong khi các DN đang tìm cách “rũ bùn đứng dậy” thì rõ ràng là vai trò của khối đầu tư công sẽ định hình và kích thích các động lực tăng trưởng của thị trường. Hoặc ít nhất, nếu một kịch bản thiếu lạc quan xảy ra và dịch bệnh vẫn còn kéo dài, thì đầu tư công càng cần phải mạnh mẽ và tích cực hơn nữa, tạo ra các dòng tiền tối thiểu làm đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu dùng tối thiểu của một nền kinh tế.

PV: Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền gói giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho một số đối tượng, trong bối cảnh ngành Tài chính cũng đang phải rất nỗ lực khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, nguồn thu bị sụt giảm. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Hà Huy Phong: Việc đưa ra các gói giải pháp về thuế là bức bách và cần thiết lúc này, nhưng cần lưu ý mục tiêu của nó đã khác với giai đoạn 3-4 tháng trước hoặc xa hơn. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, sau 5 lần bùng phát dịch thì DN ở các địa phương đã rơi vào tình trạng rất yếu, suy nhược trầm trọng, nên những gói hỗ trợ nên là liều thuốc an thần giúp DN tạm ngủ đông được bình yên để có thể tự phục hồi sau đại dịch. Một số DN còn đang hoạt động cầm chừng thì cần thiết phải được hỗ trợ để tạm thời dứt bỏ ra khỏi các gánh nặng và khoản nợ trong quá khứ. Điều đó có nghĩa rằng, Nhà nước không thể dùng tiền ngân sách hoặc “tự cắt thịt” của mình ra cứu cộng đồng DN như trước, bởi khả năng của ngân quỹ cũng có hạn. Chính phủ không thể làm một việc nằm ngoài sức lực và giới hạn của mình, nên cần có sự chuyển hướng.

Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong đại dịch

Chính sách tài khóa mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua có thể coi là hướng tới và đã đạt được một số kết quả tốt về vĩ mô, giúp giữ vững sự ổn định và ngăn chặn sự suy thoái nền kinh tế. Dĩ nhiên, là tế bào của nền kinh tế thì các doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi trực tiếp và trở thành cây cầu gián tiếp giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu điều hành của mình. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, nền kinh tế Việt Nam cơ bản giữ vững và tốc độ tăng trưởng thực dương, nằm trong số rất ít các quốc gia làm được điều đó. Những thành tựu đó được thế giới và các tổ chức quốc tế ghi nhận chứ không phải là những bản báo cáo chúng ta tự đưa ra, nên có thể nói là đã trở thành một kỳ tích trong đại dịch.

Sự chuyển hướng bằng việc hỗ trợ hạ tầng mềm để kích thích khả năng tự tồn tại và chống chọi của cộng đồng DN là hết sức quan trọng. Trong khi Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý thuế đang quyết liệt trong xây dựng, thực thi chính sách hỗ trợ DN, thì khối các tổ chức tín dụng đang khá dửng dưng và thiếu sự đồng hành ở mức độ cần thiết để tham gia cùng Chính phủ trong nỗ lực cứu trợ nền kinh tế.

Một điểm quan trọng nữa mà tôi muốn nhấn mạnh, là các chính sách của Nhà nước lúc này, phải đạt thêm mục tiêu kép khác, là vừa đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động, vừa trợ giúp cộng đồng DN. Thực chất, trợ giúp người lao động cũng là một cách trợ giúp DN, bởi các chi phí về lương nhân công và bảo hiểm xã hội vừa là gánh nặng của DN nhưng nếu không duy trì được lực lượng lao động sản xuất thì DN cũng phải tự giải tán.

Chúng ta không thể cầu toàn, thời điểm này, có thể chấp nhận một khả năng lạm phát nhẹ nhưng không thể để hiện tượng giảm phát xảy ra.

PV: Sự hỗ trợ của Chính phủ tuy không lớn, nhưng cũng phần nào giúp đỡ người dân và DN. Ông có cho rằng, các DN cũng cần hợp tác, nỗ lực cùng Chính phủ vượt qua đại dịch không, thưa ông?

Luật sư Hà Huy Phong: Như đề cập ở trên, bất kỳ gói giải pháp nào của Chính phủ cũng chỉ có tính hạt nhân kích thích động lực chứ không thể là nguồn thay thế cho sức mạnh nội tại của DN. Chính phủ có thể đưa ra các chính sách tài khóa và giải pháp hỗ trợ để DN không bị rơi qua ngưỡng thấp nhất, nhưng DN phải tự vận dụng các năng lực nội tại để cầm cự, giữ vững và tiếp tục phát triển. Cũng cần nhận định thẳng thắn rằng, đại dịch là cơ hội để cộng đồng DN xem lại chính “cơ thể” của mình. Chỉ những DN nào có sức đề kháng tốt, năng động và tự thích ứng với hoàn cảnh bằng nội lực thì mới có thể tồn tại và sẽ là nhân tố làm lành mạnh thị trường, lành mạnh nền kinh tế.

DN cần chung tay cùng Chính phủ trong đại cuộc, như tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để duy trì sản xuất và vượt khó để duy trì khả năng lưu thông của hàng hóa. Trong những ngày giãn cách thì các địa phương tạo ra tình trạng ngăn sông cấm chợ khá nhiều nên khả năng lưu thông của hàng hóa cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên DN cần chủ động vượt khó, tự tìm giải pháp thay vì chờ Chính phủ trực tiếp giải quyết hết những vướng mắc này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Miễn giảm thuế không phải là giải pháp căn cơ lâu dài

Chính sách miễn, giảm thuế là bộ phận của chính sách tài khóa mà Chính phủ có thể sử dụng điều hành. Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, chính sách nào cũng chỉ có thể tốt khi đặt đúng hoàn cảnh của nó và logic với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Miễn, giảm thì chỉ nên và có thể áp dụng trong những bối cảnh có tính đối phó chứ không phải là một giải pháp căn cơ. Kinh nghiệm trên thế giới, nhiều nước có mức thuế suất đánh trên thu nhập rất cao nhưng nền kinh tế vẫn phát triển rất tốt, DN vẫn hoạt động rất hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, vì các quốc gia đó có hệ thống hạ tầng mềm rất tốt, minh bạch, ổn định và dễ dự báo.

Thẳng thắn nhìn nhận thì hệ thống chính sách và pháp luật của chúng ta khá đa mục tiêu và hay bị lồng ghép, cài cắm nên bị rối và khi thực thi dễ bị va chạm lẫn nhau. Ví dụ, các chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động thì nên áp dụng trực tiếp với người lao động chứ không phải áp dụng cho DN sử dụng lao động thông qua hệ thống chính sách về thuế. Nói cách khác, bất kỳ ai có thu nhập thì đều có nghĩa vụ đóng thuế, còn nếu người có thu nhập đó là đối tượng được hưởng chính sách xã hội thì vẫn được quyền hưởng theo quy định, mà không nên khấu trừ nghĩa vụ thuế với ưu đãi về chính sách xã hội đó. Quyền và nghĩa vụ cần tách bạch riêng với nhau khi hoạch định chính sách kinh tế vi mô, và ở góc độ vĩ mô thì việc đưa ra các chính sách hạ tầng mềm cần mạch lạc, độc lập và minh bạch. Chính sách xã hội hay chính sách tài khóa đều là những công cụ điều hành nhưng mỗi công cụ đều có sở trường, sở đoản riêng, nên cần có những nguyên tắc sử dụng của nó.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam